Ngày càng nhiều dự án BĐS “tai tiếng”
Hàng loạt các vụ việc tranh chấp “lình xình” giữa chủ đầu tư và khách hàng đang xảy ra như: Dự án Vĩnh Hưng Dominium, Chung cư Ciputra, Hanoi Times Tower, Chung cư Coma 7, Dự án The Pride..., và hàng chục dự án chưa bị làm rùm beng vì nhiều lý do, cho thấy bức tranh phức tạp của thị trường BĐS thời suy thoái, từ tranh chấp về hợp đồng góp vốn, khách hàng kiện cáo đòi rút vốn, đến chậm tiến độ, thu tiền của khách hàng không xây dựng dự án…
Thời gian gần đây, hàng chục khách hàng có nguy cơ mất trắng số vốn đã đóng góp mua căn hộ, vì dự án chung cư của Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7 làm chủ đầu tư gần 10 năm vẫn là bãi đất trống. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2003, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 8/2005.
Sau khi ký hợp đồng, nhiều khách hàng đã đóng tới 80 đến 100 triệu đồng, dự án lúc đầu được chủ đầu tư “lòe” khách hàng bằng động tác triển khai đóng cọc rầm rộ, nên ai cũng tin “sái cổ” rằng sẽ bàn giao nhà đúng tiến độ, thế nhưng sự việc lại không như mong đợi. Nhiều khách hàng bức xúc, kéo đến kiện cáo, đòi tiền chủ đầu tư… nhưng DN vẫn “cù nhầy” không trả.
Dự án Ha Noi Time Tower sau 2 năm khởi công vẫn chưa xong cọc móng |
Vụ việc “lình xình” khác tại dự án Ha Noi Times Tower do Công ty CP Kinh doanh cao cấp dầu khí (PVR) làm chủ đầu tư, vừa qua cũng rất may mắn cho hàng trăm khách hàng khi dự án đã đổi chủ đầu tư mới...
Trước đó, hàng trăm khách hàng cùng băng zôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền góp vốn, khi chủ đầu tư này thu hàng trăm triệu của khách hàng gần 2 năm qua, mà đến nay dự án chưa xây xong phần cọc móng… vì vậy, phần đông khách hàng cho rằng chủ đầu tư lấy tiền đi làm việc khác để dự án chậm tiến độ… trong khi đó, khách hàng đã góp tới 90% tiền mua căn hộ, với giá 23 triệu đồng/m2.
Nhiều khách hàng cho rằng, việc làm đó của DN là trái Luật Nhà ở. Trong khi đó, chủ đầu tư hứa đi hứa lại nhiều lần lúc thì hứa cuối năm 2012 sẽ bàn giao nhà, khi lại trả lời sẽ bàn giao nhà vào quý I/2013 và mới đây là lời hứa sẽ bàn giao nhà vào quý II/2013. Nhiều khách hàng đã bức xúc với việc làm của chủ đầu tư, đã phản đối không tiếp tục nộp tiền…
Những vụ việc “lùm xùm” trên là điển hình cho hàng chục dạng chủ đầu tư khi thị trường bất động sản suy thoái. Có dạng chủ đầu tư “quá liều” thu tiền của khách hàng rồi dùng vào việc khác, không triển khai dự án, vô tình hay cố ý đã biến mình thành DN lừa đảo.
Có dạng chủ đầu tư thiếu năng lực, không đúng chuyên ngành bất động sản, xin được mảnh đất vài hec ta cũng đứng ra huy động vốn của khách hàng để xây chung cư, khi ngân hàng đóng cửa với việc vay vốn cho bất động sản, thì lộ rõ những dạng chủ đầu tư thiếu tiềm lực về tài chính, khiến dự án đình trệ, chậm tiến độ… xảy ra kiện cáo.
Thậm chí có chủ đầu tư xin được đất, thu tiền của khách hàng, rồi bán toàn bộ dự án cho DN khác xong lặn mất tăm, khiến nhiều khách hàng rơi vào thảm kịch dở khóc, dở cười, nợ nần… trong khi tích cóp cả đời để nuôi hy vọng có một căn nhà để ở.
Chuyện xảy ra tranh chấp, kiện cáo trong lĩnh vực BĐS không còn lạ, nhưng khách hàng làm gì để bảo vệ quyền lợi, tài sản của mình?
Bài sau: Khách hàng làm gì để bảo vệ tài sản, quyền lợi?