Ngập lụt miền Trung: EVN nói thủy điện "vô can", địa phương bảo có
Báo cáo nhanh lúc 6h sáng 4/11 của Chi cục Phòng chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), trong ngày 3/11, các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2), trên lưu vực sông Ba (Hồ Sông Ba, Sông Hinh) xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa và lệnh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh.
Hàng trăm nhà dân, trường học ở xã An Định (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị ngập trong nước - Ảnh: TTXVN |
Đáng chú ý, như Infonet đã đưa tin, trong thông cáo báo chí phát đi chiều 3/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng “các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đã vận hành đảm bảo an toàn và tham gia cắt giảm lũ cho hạ du”.
Tuy nhiên, báo cáo nhanh sáng 4/11 của Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên lại nhấn mạnh: “Đặc biệt hồ thủy điện Sông Ba có lưu lượng xả Qmax=10.000 m3/s (lúc 13h ngày 3/11), gây ngập lụt lớn cho vùng hạ lưu”.
Báo Phú Yên cũng cho biết, do ảnh hưởng mưa lũ, 2 người sinh sống trên địa bàn tỉnh đã mất tích là: chị Trần Thị Vinh, 24 tuổi (thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An) trong lúc bơi xuồng đi lùa bò đã bị lật xuồng, nước cuốn trôi; một người khác tên Tân (huyện Đồng Xuân) bị lật canô, lũ cuốn trôi. Ngoài ra, nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng vùng hạ du địa bàn huyện Tuy An. Các tuyến đường từ thị trấn Chí Thạnh đi bốn xã: An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Định và An Nghiệp bị chia cắt; hàng trăm nhà dân bị ngập.
Theo Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên, trước tình hình đó, ngày 3/11, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên đã có các văn bản yêu cầu Công ty CP thủy điện Sông Ba, Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh tổ chức thực hiện việc vận hành giảm lũ cho hạ du. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 75 cán bộ chiến sĩ giúp dân vùng lũ, vùng bị triều cường di dời đến nơi an toàn. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cũng điều quân và 03 ca nô đến các điểm bị ngập lụt chia cắt thuộc huyện Tuy An để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn.
Báo cáo nhanh của Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên cũng cho biết, đến 6h ngày 04/11, có 06/20 hồ chứa thủy điện vừa và lớn trong khu vực đang vận hành xả lũ với lưu lượng xả phổ biến từ 100 - 500m3/s. Hiện lưu lượng xả hồ Sông Ba đã giảm, chỉ còn 3.600m3/s (lúc 5h ngày 4/11).
Cũng theo Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên, lúc 13h40’ ngày 03/11, tàu cá PY 90151TS của ông Trần Văn Tâm ở khu phố Lê Duẩn (phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đang trên đường tránh lũ thì bị chìm, trên tàu có 04 thuyền viên bị nước lũ cuốn trôi ra biển, cách bờ biển khoảng 500m. Đến 23h30’cùng ngày, các lực lượng cứu hộ tỉnh đã vớt được 03 người đưa vào bờ an toàn, còn 01 người đang tiếp tục tìm kiếm.
Dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên cho biết, trong 6 tiếng đồng hồ (tính đến 01h ngày 04/11), ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm như Phú Lâm (Phú Yên) 59mm, Tân Mỹ (Ninh Thuận) 57mm.
Dự báo, từ ngày 4/11 đến hết ngày 5/11, các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, Đắc Lắc và Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 50-100mm, có nơi trên 150mm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với tâm áp thấp nhiệt đới nên các tỉnh Nam Bộ từ chiều tối nay (4/11) có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông.
Theo Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên, hiện lũ trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa đang xuống chậm và dao động ở mức cao; sông Cái (Phan Rang, Ninh Thuận) và các sông ở Đắk Lắk đang lên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắc vẫn tiếp diễn, đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); TP Phan Rang-Tháp Tràm, Ninh Hải, Ninh Phước (Ninh Thuận); huyện Mdrăk, Krông Bông, Eakar (Đăk Lắk).
Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1h ngày 4/11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông ở vào khoảng 8,1 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 01h ngày 05/11, vị trí tâm ATNĐở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Thuận–Bến Tre khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 và có mưa dông mạnh. Sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong 24 giờ tới: Vĩ tuyến 70N đến Vĩ tuyến 110N; Kinh tuyến 108,50E đến Kinh tuyến 1130E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.