Ngành thủy sản than khó "chen chân" vào Liên bang Nga
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan (gọi tắt là FTA EAEU) chính thức được ký kết cuối tháng 5 vừa qua, với hơn 90% dòng thuế được xóa bỏ là lợi thế, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Được biết, Hiệp định sẽ có thể có hiệu lực từ đầu năm 2016.
Trở ngại đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa |
Ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á, Bộ Công thương cho biết, hiện nay EAEU có tổng số dân khoảng 180 triệu người, GDP trên 2.200 tỷ USD…Hiệp định cam kết đưa thuế quan về mức 0% với tổng số gần 90% dòng thuế sẽ tạo cơ hội lớn để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này, nhất là những ngành thủy sản, dệt may, da giày...
EAEU cam kết cắt giảm 95% dòng thuế đối với mặt hàng thủy sản. Trong đó có hơn 71% dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm của Việt Nam vào EAEU.
Tuy nhiên theo Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á, để tận dụng được cơ hội cắt giảm thuế quan mang lại,doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ hiệp định này với từng dòng thuế, sản phẩm xuất khẩu, quy định về quy tắc xuất xứ ..Chẳng hạn với mặt hàng thủy sản tôm, cá ngừ, nguyên liệu chế biến phải có hàm lượng nội địa từ 40% trở lên. Lô hàng không được qua nước thứ 3, không được chia nhỏ lô hàng khi quá cảnh qua nước thứ 3…
Ngành thủy sản kêu khó
Được đánh giá là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định tự do hóa thương mại, song ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết: Thủy sản là ngành có nhiều ưu đãi về thuế, tỷ lệ hàm lượng nội địa, CO mà chúng ta có thể tận dụng được.
“Khi chưa có FTA kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong những năm qua chỉ khoảng 106- 110 triệu USD, hơn 1% tổng kinh ngạch xuất khẩu. Song EAEU là cộng đồng có sức tiêu thụ đặc biệt, là khối tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt luôn có kế hoạch tiếp cận”, ông Nam nói.
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội rất lớn đó còn có những khó khăn,bất cập. Nếu không có hỗ trợ thì không thể tận dụng được cơ hội.
Bất cập mà ông Nam nhắc đến, đó là vấn đề kiểm dịch động thực vật, ATTP. Theo ông Nam, kiểm soát, kiểm dịch theo quy định của Nga hiện tại, theo đánh giá là “chưa có sự minh bạch” khiến doanh nghiệp Việt rất khó vào thị trường này. Số doanh nghiệp được nước bạn công nhận đạt yêu cầu kiểm dịch kiểm soát chiếm một tỷ lệ số nhỏ so với doanh nghiệp đăng ký.
Theo thông tin, ngành thủy sản có 400 cơ sở được EAEU công nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này nhưng hiện nay mới có 30 doanh nghiệp xuất khẩu sang EAEU.
Theo ông Dương Hoàng Minh, Bộ Công thương cũng đã cố gắng làm việc với phía Nga để tăng cường mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu vào Nga nhưng nhận thức của doanh nghiệp Việt đối với quy định của Nga về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật chưa được tốt. Thứ hai nữa, chúng ta đã quen xuất khẩu sang thị trường Nhật, Hoa kỳ, …họ có quy định kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch cũng có sự khác biệt.
Số doanh nghiệp vào thị trường Nga ít vì họ chưa công nhận hệ thống an toàn thực phẩm của nước ta. Quy trình kiểm tra, kiểm soát của họ rất chặt chẽ, bắt đầu từ khâu nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu.
"Đôi khi họ vẫn phàn nàn doanh nghiệp Việt mới đầu thì xuất khẩu hàng tốt nhưng sau đó thì kém, không đạt yêu cầu”, ông Minh cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Nam cho rằng quy định của Liên bang Nga nói riêng và các nước lớn khá chặt chẽ. Trong thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam và các Bộ ngành đã cố gắng đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch nhưng có sự chậm pha và khoảng cách lớn.
“Tháng 9/2014, cục xuất nhập khẩu có tổ chức hội thảo về xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Liên bang Nga, đại diện Thương mại Liên bang Nga cũng có tinh thần hợp tác, mong muốn các ngành nông thủy sản gửi danh sách các doanh nghiệp có yêu cầu để họ tăng số lượng doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang Nga. Nhưng khi chúng tôi tập hợp được 60 công ty và gửi danh sách, đến nay vẫn không nhận câu trả lời không được thỏa đáng”, ông Nam bày tỏ.
“Các mặt hàng nông, thủy sản của chúng ta không có cạnh tranh trực tiếp với thị trường này nên chúng tôi xác định đây là một thị trường tiềm năng, cơ hội tốt nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết sớm như vấn đề kiểm dịch, phê duyệt doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu”, ông Nam cho biết.
Thách thức lớn với ngành thép
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hội Thép Việt Nam cho biết: EAEU có ngành công nghiệp thép lâu đời, sản xuất có chất lượng cao và giá thành hợp lý. Khi ký hiệp định, với thuế suất 0%, chúng ta có thể nhập khẩu thép chất lượng cao, những loại thép mà trong nước chưa có, giá thành rẻ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp thép có thể nhập khẩu công nghệ tốt, tiết kiệm năng lượng để nâng cao tính cạnh tranh.
Ngành thép được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khi ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- EAEU |
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, thép đã nhập siêu 1,7 tỷ USD. Nhiều ý kiến lo ngại khi ký kết hiệp định FTA giữa Việt Nam- EAEU, thép sẽ chịu nhiều áp lực hơn cả.
Ông Sưa cho biết, sắp tới có những sản phẩm thép có thể sẽ tràn vào thị trường nước ta như thép xây dựng, thép cuộn cán nguội…
Ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á cho biết để hỗ trợ ngành thép, trong đàm phán đã xem xét mở cửa thị trường từng phần cho từng nhóm hàng khác nhau. Những mặt hàng có lợi thế sẽ được mở sớm, mở cửa ngay, hoặc mở cửa sau 5 năm, 7 năm và 10 năm.
“Ngành thép có đủ thời gian nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời gian tới, đáp ứng quy định Hiệp định AEEU và với những hiệp định thương mại tự do khác”, ông Minh nhận định.
Ông Sưa cũng khẳng định bối cảnh thực hiện tự do hóa thương mại không còn con đường nào khác doanhh nghiệp phải cố gắng hết mình để giữ vững thị trường trong nước.
Ngành thép nước ta hiện nay phát triển nhanh nhưng quy mô hiện chỉ vài trăm nghìn tấn/ năm, chịu chi phí khấu hao cao nên giá thành không thể hạ. Do đó ông kiến nghị nhà nước tạo điều kiện xây dựng những doanh nghiệp quy mô lớn từ 4 – 5 triệu tấn trở lên để áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, biện pháp tốt nhất.