Ngăn tai nạn thảm khốc: Kiểm tra sức khỏe tài xế chỉ là giải pháp "chống lửa"?
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc do xe tải gây ra tại Hải Dương khiến 8 người tử vong. (Ảnhr: Huy Hoàng) |
Một trong những tài xế thuộc khóa đào tạo chính quy đầu tiên của Việt Nam cho biết, việc đào tạo lái xe hiện nay đơn giản quá trở thành một vấn nạn rất khó kiểm soát và là một trong những nguyên nhân gây ra ngày càng nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc, như vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM), vụ tai nạn khiến 4 người chết ở Long An, vụ tai nạn xe khách ở đèo Hải Vân, và mới đây nhất là vào chiều hôm qua (21/1), một vụ tai nạn xảy ra ở Hải Dương khiến 8 người chết, ít nhất 5 người bị thương đã gióng lên hồi chuông về tình hình tai nạn giao thông hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với bác Lương Ngọc Minh - một trong những người được đào tạo chính quy đầu tiên tại Hà Nội và sau đó đã giành giải Nhất cuộc thi Lái xe giỏi do Sở GTVT Hà Nội tổ chức lần đầu tiên vào năm 1985.
Bác Lương Ngọc Minh. |
Khi được hỏi về các vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra liên tiếp gần đây, bác Minh tỏ ra bức xúc và cho rằng: "Làm sao có chuyện xe bị mất lái? Vụ tai nạn nào cũng có lý do ban đầu là xe mất lái rồi vài ngày sau lại đưa ra kết luận lái xe say rượu hoặc sử dụng ma túy. Tất cả đều do con người chứ không thể đổ tại phương tiện được".
Bác Minh kể lại: "Tôi được đào tạo chính quy ở khóa 2 của Sở GTVT Hà Nội. Ngày đó để được học lái xe tôi phải trải qua 6 tháng nội bộ học rất kỹ nguyên lý hoạt động, cấu tạo của động cơ và sửa chữa xe. Sau khi nắm rõ về xe mới được học lái và bổ túc tay lái trong vòng 1 năm mới được giao xe".
Bác Minh cho biết thêm, ban đầu chỉ được giao xe tải và phải 18 năm lái xe an toàn tuyệt đối, có phẩm chất đạo đức tốt mới được thi học nâng bằng sang lái xe khách.
"Ngay cả việc nâng bằng này cũng phải học trong 6 tháng chứ không phải cứ đơn giản thi đủ điểm là xong" - bác Minh kể lại.
Nhận xét về việc đào tạo lái xe trong những năm qua, bác Minh chia sẻ: "Việc đào tạo lái xe bây giờ quá thuận lợi và đấy chỉ là cách để hợp pháp cho việc được lái xe ra đường. Điều đó sẽ dẫn tới việc người được cấp bằng sẽ không đủ trình độ, không kiểm soát được xe và đương nhiên sẽ rất nguy hiểm cho xã hội".
Bác Minh cũng cho biết thêm, đấy là chưa kể đến vấn nạn một số trung tâm đào tạo lái xe muốn cùng một lúc dạy nhiều người, thời gian học và thực hành lại quá ít, thậm chí có người không đi học, chỉ đến lúc thi mới có mặt.
"Dạy và học như thế thì làm sao lái xe đủ trình độ, kinh nghiệm để lái xe được. Nhưng đấy đã là vấn nạn rồi" - bác Minh bức xúc.
Quay lại với những vụ tai nạn vừa xảy ra, bác Minh cho rằng việc đổ lỗi cho xe bị mất phanh là không chấp nhận được.
"Trên bất kỳ xe ô tô nào đều có 2 hệ thống phanh. Nếu mất phanh chân thì còn phanh tay. Bình thường lái xe chỉ sử dụng phanh chân nhưng hàng ngày vẫn phải kiểm tra độ an toàn của phanh tay để nếu một lúc nào đó phanh chân bị mất thì lái xe vẫn chắc chắn rằng phanh tay vẫn hoạt động bình thường. Nếu kiểm tra thường xuyên thì không thể nào xảy ra tình trạng xe mất phanh được" - bác Minh chia sẻ.
Theo bác Minh, lái xe bây giờ đa phần không có thói quen kiểm tra độ an toàn của xe. Có rất nhiều lý do để lái xe quên công đoạn đó, đơn giản là do áp lực công việc khiến lái xe phải chạy liên tục đến mức độ không quan tâm tới độ an toàn của xe; hoặc do không hiểu cấu tạo xe, không biết phanh ở đâu, dầu máy, nước mát ở đâu nên đã không kiểm tra, lâu rồi thanh thói quen...
"Không có thói quen kiểm tra xe thì đến lúc xảy ra tình huống xấu sẽ không bao giờ kiểm soát được xe" - bác Minh nhấn mạnh.
"Ngày xưa để được giao xe thì người lái xe vừa phải có Tâm lại vừa phải có Tài. Người điều khiển xe phải biết yêu quý, chăm sóc xe, lúc lái phải điềm tĩnh mới lái được an toàn. Nghề lái xe không thể nói trước được điều gì nhưng nếu người lái xe có cả Tâm và Tài thì sẽ hạn chế tối đa rủi ro khi gặp tình huống xấu" - bác Minh chia sẻ.
Bác Minh cũng thừa nhận ngày trước lái xe cũng phải trông chờ vào may mắn rất nhiều, đặc biệt là những lần lái xe vào chiến trường. "Chở hàng vào hỏa tuyến toàn phải lái đêm và chỉ có một đèn gầm rất nhỏ ở phía trước. Nếu không có kinh nghiệm và may mắn thì khó có thể lái được xe an toàn" - bác Minh kể lại.
Bác Minh cho rằng việc kiểm tra sức khỏe và kiểm soát nồng độ cồn hay ma túy chỉ là giải pháp "chống lửa", do vậy để đảm bảo an toàn cần phải thay đổi, bổ sung thêm từ quá trình đào tạo.
"Tôi thấy ngoài dạy luật và dạy lái thì hiện nay cần phải bổ sung dạy nguyên lý hoạt động, cấu tạo và sửa chữa xe để những người được cấp giấy phép hành nghề lái xe có thói quen kiểm tra, bảo dưỡng xe. Việc đó sẽ hạn chế phần nào rủi ro và tránh được những tai nạn thảm khốc" - bác Minh góp ý thêm.