Ngân hàng "ế" tiền, "lạy lục" khắp nơi tìm khách vay
Nhân viên "quay cuồng" với chỉ tiêu
Vừa mới chuyển sang trung tâm tín dụng phụ trách khối khách hàng văn phòng của một ngân hàng thương mại lớn trên phố Duy Tân (Cầu Giấy – Hà Nội), chị Nhung chưa có nhiều khách hàng quen.
Với kinh nghiệm 3 năm trong “nghề” tín dụng nhưng với mỗi đối tượng khách hàng buộc chị phải làm quen và tìm kiếm “mối” khách mới. Vì thế, ngay cả trong những cuộc gặp gỡ cà phê với bạn bè Nhung đều tranh thủ tiếp thị các gói vay hấp dẫn mà ngân hàng vừa tung ra.
“Có thể trong đám bạn bè không ai có nhu cầu vay, nhưng biết đâu người nọ rỉ tai người kia lại tìm được người có nhu cầu”- chị Nhung thổ lộ.
Trung bình mỗi tháng Mai – nhân viên tín dụng ngân hàng VPBank bị áp chỉ tiêu 2 tỷ đồng. Những tháng cuối năm hoàn thành chỉ tiêu này với Mai “nhẹ tựa lông hồng” vì không cần mời gọi khách hàng cũng “tìm tới tận cửa” ngân hàng để ngỏ lời vay.
Vậy nhưng, thời điểm đầu năm tình hình hoàn toàn trái ngược. Gần một tháng sau Tết nhưng Mai mới ký được 2 hợp đồng vay vốn nhỏ vay mua ô tô, so với chỉ tiêu cô cần đạt vẫn còn khoảng cách khá xa.
Áp lực chỉ tiêu doanh thu buộc nhân viên tín dụng các nhà băng tìm mọi cách "đẩy" vốn |
Áp lực với nhân viên tín dụng là rất lớn. Mai chia sẻ, nếu 6 tháng liên tiếp cô không đạt chỉ tiêu thì trước tiên sẽ bị cắt thưởng, thậm chí bị “out” (cắt hợp đồng). Chính vì áp lực này khiến nhiều nhân viên tín dụng, trong đó có Mai đau đầu, “đỏ mắt” tìm khách vay.
Ý tưởng tiếp thị vốn tại khu chung cư nảy ra trong Mai khi cô đến thăm nhà một người bạn tại một chung cư ở Hà Đông (Hà Nội). “Tòa nhà chung cư có gần 800 căn hộ, mình chịu khó “rải” quảng cáo và gõ cửa chủ nhà biết đâu sẽ tìm thấy khách hàng tiềm năng?”- nghĩ và làm, sau một tuần kiên trì Mai cũng kiếm được vài ba mối khách hàng có nhu cầu vay vốn sửa nhà, vay mua ô tô. “Dù sao trong lúc này đây cũng là cách tốt để có khách hàng”- cô bày tỏ.
Thực tế, “chiêu” tiếp thị vốn vay tận nhà, hay tổ dân phố không còn xa lạ và đã được nhân viên tín dụng nhiều nhà băng áp dụng. Tuy nhiên, vào thời kỳ “thấp điểm” đầu năm giải ngân vốn ngân hàng thì “chiêu” tiếp thị này càng được các nhân viên tín dụng tận dụng triệt để.
Không chỉ tiếp thị các gói vay tín dụng thương mại thông thường với lời chào mời hấp dẫn, như số tiền vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo; hay hỗ trợ vay dưới 500 triệu đồng và tài sản bảo đảm (bất động sản, ô tô, nhà chung cư…) mà không cần chứng minh thu nhập… ngay cả gói vay 30.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà thu nhập thấp (lãi suất 5-7%/năm) trong vòng 15 năm cũng được các chuyên viên tư vấn ngân hàng tiếp thị nhiệt tình.
Đầu năm ngân hàng "ế" vốn
Chia sẻ với phóng viên Infonet, Trưởng phòng Khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại tại Láng Hạ (Hà Nội) cho biết, “chiêu” tiếp thị vốn vay tại nhà, tổ dân phố, khu chung cư… không phải là chủ trương mà ngân hàng đề ra cho nhân viên mà chỉ là cách tiếp thị mà mỗi nhân viên tín dụng nghĩ ra để tìm kiếm khách hàng, đạt chỉ tiêu doanh thu mỗi tháng.
Như tại ngân hàng nơi vị trưởng phòng này công tác, chỉ tiêu doanh thu hàng tháng mỗi nhân viên tín dụng phải “chịu” là 400-500 triệu đồng/tháng. So với một số ngân hàng cổ phần cùng thị phần thì đây là mức chỉ tiêu khá dễ chịu. Song vị này thừa nhân, “vào khoảng thời gian “thấp điểm” đầu năm để đạt được mức doanh thu này cũng không hẳn dễ dàng”.
Do đó, để “trợ lực” cho công việc của khối tín dụng và cũng là cách để “thúc” giải ngân vốn ế, hiện nhiều nhà băng đang liên tục đưa ra các gói vay lãi rẻ nhằm vào khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để “hút” khách. Đây cũng là điểm khác biệt so với mọi năm khi các ưu đãi thường chỉ đổ dồn vào khách hàng gửi tiền huy động.
Đơn cử, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) vừa tung ra gói vay ưu đãi 2.000 tỷ đồng với lãi suất dành cho khách hàng cá nhân từ 6,4%/năm và doanh nghiệp từ 6%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm ngay 1%/năm so với lãi suất các khoản vay thông thường đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được cấp hạn mức tín dụng tại VPBank, nhưng có nhu cầu vay vốn lưu động ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh.
Doanh nghiệp vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cũng sẽ được hưởng lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm bằng VND và 3,5%/năm bằng USD tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank).
Trong khi đó, lại có nhà băng “đổ dồn” sự quan tâm tới khách hàng cá nhân như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Người tiêu dùng có nhu cầu vay từ 24 tháng trở lên có thể tham khảo có thể tham khảo gói ưu đãi lãi suất 7,9%/năm trong 12 tháng đầu của khoản vay. Vay ngắn hạn dưới 12 tháng lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân chỉ 8,49% trong suốt 6 tháng đầu. Sau khoảng thời gian này mức lãi suất sẽ tăng lên bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ 4%.
Số liệu vừa được cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, khác với những năm trước, hoạt động cho vay trong 2 tháng đầu năm 2015 ghi nhận mức tăng trưởng dương với mức tăng 0,68% so với đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 2,67%. Ngân hàng Nhà nước đánh giá, đây là tín hiệu tích cực về hoạt động tiền tệ, ngân hàng năm 2015, mà đòn bẩy chủ yếu là những nỗ lực không ngừng của ngành ngân hàng
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm nay vào khoảng 15-17%/năm, cao hơn mức 12-14%/năm của năm 2014. Nhưng với diễn biến tăng trưởng tín dụng khả quan 2 tháng đầu năm, các nhà băng khá tự tin với mức tăng trưởng tín dụng tới 20%/năm, như VIB, và liên tục thông báo tuyển dụng nhân viên để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra.