Ngân hàng dư thừa tiền mặt, có nơi 1 tuần hạ lãi suất 2 lần
Kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán trở nên kém hấp dẫn thời gian qua đã khiến dòng tiền chảy về kênh tiết kiệm qua ngân hàng. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã trở lại dồi dào, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc của hệ thống. Trong khi nguồn vốn dự trữ dồi dào thì tín dụng lại tăng rất chậm. Tính đến ngày 24/2/2023 tín dụng chỉ tăng 0,77%.
Diễn biến trên trái ngược hoàn toàn với thời điểm cuối năm 2022, sau khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay, cộng với yêu cầu từ NHNN về giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, các ngân hàng lần lượt giảm lãi suất huy động trong khoảng 1-2 tuần trở lại đây.
Tính đến trước ngày 6/3, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,5-0,8% các kỳ hạn từ 6-18 tháng gồm: NCB, KienLongBank, VietA Bank, DongA Bank, NamA Bank, PGBank, OCB, GPBank, PVCombank, SeABank, Sacombank, SHB.
Trong số đó, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) giảm lãi suất huy động hai lần liên tiếp trong tuần qua. Hiện lãi suất tiết kiệm online và tại quầy cao nhất tại NCB đã giảm từ 10% xuống 9,25%/năm.
Trong diễn biến mới nhất vào đầu tuần mới (6/3), đã có thêm MSB, BacABank tiếp tục tham gia vào cuộc đua hạ lãi suất với mức giảm từ 0,3-0,5% cho các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Ngày hôm nay, 6/3 cũng là thời hạn cuối cùng được các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất huy động, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp.
Hiện tại, lãi suất tiết kiệm tại quầy và online kỳ hạn 6-11 tháng tại MSB là 7,8-8,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,1-8,4%/năm, các kỳ hạn 13-18 tháng là 8,3-8,5%/năm.
BacA Bank sau khi giảm 0,5% lãi suất ở một số kỳ hạn, lãi suất cao nhất là 9%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 8,6%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 17%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng chưa có dấu hiệu cho thấy sẵn sàng hạ lãi suất huy động. SCB đang có lãi tiết kiệm cao nhất tại quầy và online lần lượt là 9,1-9,5%/năm. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vẫn duy trì lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở mức lãi suất duy nhất 9,3%/năm.
Tại các ngân hàng TMCP quy mô lớn như VPBank và Techcombank, lãi suất huy động vẫn như cũ. VPBank áp dụng lãi suất tiền gửi cao nhất 9,4%/năm đối với gửi tiết kiệm online và 9,3%/năm đối với gửi tiết kiệm tại quầy. Tuy, nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho các kỳ hạn gửi tiền trên 12 tháng. Các kỳ hạn từ 6-11 tháng có lãi suất 8,8%/năm (online) và 8,9%/năm (tại quầy).
Ngân hàng Tecombank, lãi suất cố định kỳ hạn từ 6 tháng trở lên là 8,7%/năm cho cả tiền gửi tại quầy và theo hình thức online.
Tương tự, VIB, MB, HDBank, TPBank,…vẫn giữ nguyên mức lãi suất cũ. Tuy nhiên, các ngân hàng này vốn có lãi suất huy động thấp, mức phổ biến từ 8,5-8,7%/năm. Cá biệt, một số kỳ hạn của TPBank chỉ có lãi suất 7,4%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank, lãi suất tiết kiệm vẫn không thay đổi. Lãi suất tiết kiệm online cao nhất tại Vietcombank và Agribank là 7,4%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, 6,5%/năm đối với kỳ hạn 6-9 tháng. Trong khi đó, lãi suất cao nhất tại VietinBank là 8,2%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, 7,8%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng. Tại BIDV, lãi suất huy động online kỳ hạn 6-11 tháng vẫn duy trì mứcc 7,9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có mức lãi suất là 8,2%/năm.
Với các kỳ hạn dưới 6 tháng, các ngân hàng vẫn đang áp dụng mức phổ biến không quá 6%/năm.
Việc các ngân hàng giảm lãi suất thực sự là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp khi có cơ hội vay vốn giá rẻ. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2/2023 rất chậm. Một số nguyên nhân được chỉ ra là tháng 2 trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện vay vốn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do đơn hàng từ các thị trường quốc tế giảm; thị trường bất động sản khó khăn (chủ yếu do vấn đề pháp lý) khiến các ngân hàng chưa thể giải ngân cho thị trường này.
Tuân Nguyễn