New York Times viết về những người phụ nữ Việt Nam anh hùng
Tác giả bài viết nhấn mạnh, phụ nữ Việt Nam có truyền thống lịch sử rất anh hùng, từ thời Hai Bà Trưng cho đến ngày nay. Những nữ anh hùng trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cũng là dấu sử đầy hào hùng của phụ nữ Việt Nam. New York Times đã dẫn lại câu chuyện của 5 nữ anh hùng dưới đây:
Bà Lê Thị Mỹ Lệ
Tôi sinh năm 1946, bên dòng sông Nhật Lệ, nơi cách Huế khoảng 150 km. Đó là lý do tôi được đặt tên là Mỹ Lệ - cái tên có nghĩa là đẹp.
Tháng 7/1965, tôi nghe được lời kêu gọi lên đường vì chiến tranh ngày càng khốc liệt. Tôi rất muốn làm thanh niên xung phong nên đã tình nguyện lên đường. Lữ đoàn của tôi có khoảng 200 người, hai phần ba trong số đó là nữ. Tôi quản lý một đơn vị gồm 10 người, chỉ có tôi là nữ. Sau hiệp định ngừng bắn năm 1968, tôi lập gia đình. Sau đó, tôi quay lại chiến trường.
Bà Lê Thị Mỹ Lệ |
Tôi sinh con đầu năm 1971. Có con thời chiến rất vất vả. Tôi sinh thêm hai bé nữa vào năm 1973 và 1975. Khi sinh bé thứ ba, tôi nói với chồng: “Anh ơi, cần phải kết thúc chiến tranh ngay bây giờ” và tôi đặt tên con là “Đại Thắng”.
Giờ đây,chiến tranh đã kết thúc nhưng thi thoảng tôi vẫn mơ thấy chiến tranh. Tôi mơ thấy những quả bom sắp phát nổ và tôi kêu mọi người nằm xuống. Tôi đã phải chứng kiến nhiều thứ. Tôi đã phải chứng kiến 8 trong số 10 đồng đội trong đơn vị mình bị thương và hi sinh trong một trận chiến. Chiến tranh thật tàn khốc. Chiến tranh khiến gia đình ly tán, vợ chồng, bố con không được ở bên nhau. Tôi ước thế giới không có chiến tranh. Đó là thông điệp của tôi. Tôi muốn hòa bình.
Bà Nguyễn Thị Hoa
Chiến tranh thật khủng khiếp. Khi đó, tôi mới 15 tuổi và tôi nghĩ: "Nếu hi sinh, nếu tôi chết lúc này sẽ dễ dàng hơn khi tôi kết hôn và có con". Vì vậy, tôi đi thanh niên xung phong.
Một người phụ nữ hi sinh, giống như hạt cát, không làm được gì nhiều. Nhưng nhiều phụ nữ, nhiều hạt cát, có thể đóng góp rất nhiều và những đóng góp đó có thể giúp đất nước.
Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, đất nước xây dựng tiêu chuẩn mới cho phụ nữ. Phụ nữ có cơ hội học hành và thành công. Bây giờ, chúng tôi có thể góp sức xây dựng xã hội và chăm con.
Bà Ngô Thị Thương
Tôi đã từng là một người lính ở miền Bắc. Tôi làm một công việc quan trọng. Chúng tôi tải gạo, vũ khí và đạn dược cho bộ đội miền Nam. Một ngày tháng 6/1968, khi đang tải hàng, chúng tôi bị 3 máy bay Mỹ phát hiện và bị tấn công. Chúng tôi lấy súng bắn. Phát thứ nhất không trúng máy bay. Vì vậy, tôi nằm xuống, đặt súng lên cây và ngắm bắn. Tôi bắn phát thứ hai trúng vào thùng nhiên liệu. Cả máy bay phát nổ và rơi xuống ngọn đồi gần đó.
Bà Ngô Thị Thương |
Khi thấy có vật rơi từ trên trời xuống, tôi nghĩ đó là bom nhưng hóa ra là phi công nhảy dù. Tôi chạy theo dù. Khi phi công tiếp đất, anh ta chưa tháo hết một bên dù. Tôi chạy nhanh đến và đặt súng lên bên phải cổ anh ta và nói: "Đứng yên". Anh ta giơ tay, tôi bảo đồng đội cắt dây dù và chúng tôi lấy dây đó để trói anh ta.
36 năm sau, một cán bộ trung ương gọi cho tôi và hỏi: "Bà có đạt thành tích chiến đấu nào không?". Sau khi tôi kể chuyện bắn rơi được máy bay, ông ấy nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm tôi suốt 36 năm qua. Khi tôi gặp Đại tướng, ông hỏi: "Sao chị giỏi vậy?". Tôi trả lời: "Đó là may mắn, cháu chỉ làm theo hướng dẫn thôi".
Tất nhiên không ai muốn chiến tranh. Tính mạng con người rất quý báu và thiêng liêng. Không ai muốn chiến tranh, không ai muốn chiến đấu nhưng khi quân thù đến, bạn không còn sự lựa chọn nào khác. Chúng ta phải bảo vệ đất nước, phải bảo vệ cuộc sống của mọi người.
Bà Hoàng Thị Nở
Bà Hoàng Thị Nở |
Tôi sinh năm 1949 ở ngoại ô thành phố Huế. Tôi quyết định tham gia chiến đấu khi mới 15 tuổi. Lúc đó, nam hay nữ đều muốn tình nguyện chiến đấu và tôi cũng vậy. Ban đầu tôi tham gia vào nhóm thu thập thông tin tình báo với nhiệm vụ đi lại và quan sát xem lính Mỹ đang làm gì để thông tin cho lãnh đạo. Sau đó, tôi tham gia đội nữ thanh niên xung phong. Chúng tôi đều rất trẻ và không biết chiến tranh là gì và kế hoạch chiến đấu như thế nào. Chúng tôi chỉ có niềm tin vào chính phủ và tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chiến đấu vì đất nước. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì điều đó.
Lúc đó có nhiều khó khăn, mọi người đều nghèo nhưng đều yêu thương và tin tưởng lẫn nhau. Giờ đây, tôi thường kể cho con gái về cuộc chiến đó. Tôi dạy chúng cách yêu thương và tin tưởng mọi người.
Bà Nguyễn Thị Hiệp
Tôi lớn lên ở Huế. Bố mẹ qua đời khi tôi 3 tuổi vì vậy tôi sống cùng ông bà. Năm 1946, khi cuộc chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, tôi đang sống ở một ngôi làng. Nhiều người trong làng muốn tham gia chiến đấu và tôi cũng đi. Khi đó tôi 14 tuổi. Tôi không được đi học nhưng khi vào bộ đội tôi được đi học vào buổi tối.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi làm nhiệm vụ chế mìn và gài mìn. Sau đó tôi điều phối công việc cho các nữ thanh niên xung phong. Những nữ thanh niên xung phong đó có lòng căm thù đối với kẻ thù, có lòng tự hào dân tộc, có sức khỏe. Do vậy, họ muốn tham gia chiến đấu.
19 tuổi, tôi lập gia đình và có con trai đầu lòng. Đến khi con trai tôi 15 tuổi, cháu tham gia đánh Mỹ cùng tôi. Sau đó, con trai tôi hy sinh. Chồng tôi cũng qua đời. Những người tôi yêu thương nhất đều đã ra đi.
Theo New York Times, bài viết trên nằm trong dự án Một cuộc chiến của Phụ nữ (A Woman’s War). Dự án ghi lại câu chuyện của những người đã từng tham gia chiến đấu. Các cuộc phỏng vấn trên được thực hiện tại Huế vào tháng 7/2010.