Nếu trở về nước, các bạn sẽ được tự do cống hiến, sáng tạo các giá trị mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ ngànhthực hiện nghi thức công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam |
Hoạt động do Bộ KH & ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ KH & CN cùng Bộ GD & ĐT đồng tổ chức. Hơn 100 tài năng, trí tuệ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã có mặt tại Lễ công bố . Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ ngành đã tới dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là người đầu tiên đăng đàn trong Phiên đối thoại chính sách với các đại diện tiêu biểu của giới khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông cũng nhận được nhiều câu hỏi nhất, xung quanh các vấn đề về cơ chế chính sách cho hoạt động kết nối đổi mới sáng tạo, mục đích của Chương trình cũng như các hoạt động sau cuộc gặp này.
“Chúng ta có nguồn lực vô giá là con người, cả ở trong nước và nước ngoài, nhưng chưa khơi dậy hết được tiềm lực này, chưa khiến nguồn lực con người tạo nên sức bật cho đất nước. Đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta tập hợp, quy tụ tinh hoa của người Việt Nam trên khắp thế giới, hợp sức thành sức mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn trao đổi.
Thời điểm tốt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó chính là nhu cầu phát triển của đất nước và những thách thức đang đối mặt buộc Việt Nam phải tìm cho mình chìa khóa để phát triển, để rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế đi trước và có thể vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Chìa khóa để giải bài toán phát triển tới đây là khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo. Nhưng chìa khóa để phát triển khoa học công nghệ lại là nguồn nhân lực. Từng con người riêng lẻ, từng nhóm người không thể tạo nên nguồn lực. Đó là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sáng kiến thực hiện mạng lưới kết nối này”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cũng phải nói thêm, các mạng lưới kết nối công nghệ, các nhà khoa học, doanh nghiệp hiện tại có, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Quan trọng nhất, sự kết nối này chưa tạo ra những sản phẩm, giá trị làm thay đổi cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do mà không ít nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài còn e dè với các lời mới hợp tác với các tổ chức trong nước.
Lần này, theo Bộ trưởng Dũng, hoạt động của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ vận hành khác, theo nghĩa các ý tưởng khoa học sẽ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, doanh nghiệp sẽ đặt hàng, hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức nghiên cứu sáng tạo... Cùng với đó, các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tài chính để các nghiên cứu được triển khai, thương mại hóa...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang triển khai đề án xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sẽ có cơ chế, điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước hoạt động.
“Mạng lưới của chúng ta rất mở. Các bạn có thể làm ở nước ngoài, có thể về Việt Nam trong thời gian ngắn hoặc dài, nhưng quan trọng là chúng ta cùng tạo ra các giá trị cho đất nước, kết nối được với các mạng lưới đổi mới sáng tạo trên toàn cầu. Nhưng nếu các bạn trở về nước, các bạn sẽ được thỏa sức cống hiến, sáng tạo ra các giá trị mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết.
Ông cũng cam kết, các bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các bạn trẻ tài năng về những giải pháp phát triển đất nước dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, để từ đó, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, thể chế, khuôn khổ pháp luật để hình thành một hệ sinh thái thông qua việc xây dựng, nhân rộng mô hình các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến và hiệu quả trong cả nước.
Tại buổi lễ, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có những chia sẻ về những mối quan tâm và nêu các kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo.
TS Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho hay, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công.
Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới. “Việt Nam nên làm gì? Theo tôi, nên tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI”, TS Bùi Hải Hưng kiến nghị. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây.
Trong khi đó, PGS. TS Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, cho rằng, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ. Và nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng.
Còn diễn giả Trần Văn Hinh, thành viên Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp thì chia sẻ nguyên tắc chung để thành công của các quốc gia, đó là “lấy văn hóa làm nền tảng của sự kết nối giữa con người với con người, lấy tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc làm động lực dấn thân”.
Ngay trong Lễ công bố, nhiều lời đề nghị từ Viettel, Vingroup đã được gửi tới các trí thức, nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài.