'Nên giao quyền phạt xe không chính chủ cho cơ quan thuế'
Trao đổi về quy định xử phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, ông Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: “Một quy định được ban hành phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để nó có thể đi vào cuộc sống. Cần phải nhắc lại là quy định xử phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe là không mới, mà đã có trong Luật Giao thông đường bộ cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành luật này nhưng bất cập, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống”.
Ông Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội |
Chỉ ra điểm không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, ông Minh nói: “Nếu theo quy định của Nghị định 71/2012/NĐ-CP thì có nhiều điểm không phù hợp. Thứ nhất là hiện nay, CSGT không có nhiệm vụ phải làm việc xử phạt này và cũng không có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ được giao. Thứ hai là nhiệm vụ chứng minh xe chính chủ không xuất phát từ quyền công dân mà thuộc về cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ này khi kiểm tra. Trong khi đó, hiện tại, cơ quan chức năng ở đây là CSGT lại rất nhiều việc phải làm liên quan đến trật tự an toàn giao thông chứ không chỉ có việc đi xác minh một trường hợp có vi phạm quy định sang tên đổi chủ hay không”.
Theo ông Minh, “quy định này vẫn nên để lại trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP vì không sai, đồng thời còn mang hai ý nghĩa lớn. Thứ nhất là để chống trốn thuế và thứ hai là dễ quản lý và xử lý trong các trường hợp các đối tượng tội phạm lợi dụng xe không chính chủ để gây án. Và với những mục đích tốt đẹp như thế này cùng những quyền về sở hữu tài sản theo Luật Dân sự thì người dân nên chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe”.
Ông Minh nói tiếp: “Bây giờ cơ quan chức năng cần điều chỉnh lại cho hợp lý. Trách nhiệm là của Chính phủ, theo tôi, nên giao cho một cơ quan nào đó để thực hiện quy định xử phạt những chủ phương tiện khi mua bán xe mà không sang tên đổi chủ để đảm bảo hiệu lực thực thi của 1 văn bản pháp luật. Còn việc giao cho cơ quan nào thì tôi không thể biết được nhưng vì chúng ta chưa có Cảnh sát thuế cũng như lực lượng để chống việc trốn thuế trong quá trình mua bán xe. Cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện quy định này có thể là cơ quan thuế, một cơ quan thuộc Bộ GTVT… Và dù lực lượng nào thì cũng phải tính đến khả năng thực thi với thủ tục đơn giản nhất, hồ sơ gọn nhẹ nhất”.
(Ảnh minh họa) |
Ông Ngô Văn Minh cho biết: “Không chỉ có Nghị định 71/2012/NĐ-CP mà trước đây đã có một số văn bản pháp luật khác khi đi vào cuộc sống đã gây hoang mang trong dư luận và vấp phải sự phản ứng của người dân. Vì vậy với những văn bản liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trước khi đưa ra thực hiện thì nên để người dân góp ý vào dự thảo để rồi có những điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn”.
“Trong thời gian tới đây và nhất là trong giai đoạn “quá độ” như hiện nay, chúng ta nên có những chính sách khuyến khích người dân thực hiện quy định của pháp luật về sang tên đổi chủ. Có thể là miễn giảm một số lệ phí và phí đồng thời không xử phạt để người dân tích cực thực hiện cho tốt. Sau một thời gian có thể là 1 năm hoặc 2 năm được tạo điều kiện như vậy rồi mà chủ phương tiện vẫn không chấp hành thì sẽ xử phạt thật nghiêm. Việc này chúng ta nên có lộ trình” - ông Minh nói.
Theo Giáo Dục Việt Nam