Nên để người mua BHYT ký hợp đồng trực tiếp với bảo hiểm
Nên đa dạng các loại hình BHYT. |
Phải đa dạng hóa Bảo hiểm Y tế
Trong một xã hội hiện đại, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật thì chi phí cho việc khám và chữa bệnh tăng lên đến chóng mặt. Ở Pháp, chi phí khám chữa bệnh năm 1992 là 180 tỷ France, đến năm 1994 đã là 250 tỷ France. Ngày trước, thầy thuốc khi khám bệnh chỉ cần một cái ống nghe, một máy đo huyết áp là đủ. Việc phát hiện bệnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự nhạy cảm lâm sàng của người thầy thuốc. Bệnh nhân cũng không có yêu cầu, đòi hỏi gì hơn.
Ngày nay, quá nhiều máy móc, quá nhiều trang thiết bị và phương pháp chẩn đoán và điều trị, y học bước sang giai đoạn y học chứng cớ, tất cả đều phải có bằng chứng và giá thành chẩn đoán và điều trị đã cao hơn rất nhiều. Các chi phí này, suy cho cùng chỉ có thể trả nổi bằng bảo hiểm y tế. Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, bảo hiểm Y tế của chúng ta vẫn còn nhiều điều cần phải bàn cãi thêm, đó là sự minh bạch và tính đa dạng của bảo hiểm.
Về tính minh bạch, chúng tôi và nhiều cán bộ công nhân viên Nhà nước khác khi phải mua bảo hiểm trừ ngay từ tiền lương hàng tháng đến giờ vẫn chưa có trong tay một bản hợp đồng ký với Bảo hiểm. Chúng tôi muốn phải được trực tiếp ký với Bảo hiểm Y tế, phải có được bản hợp đồng trong đó ghi rõ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên, những loại dịch vụ y tế mà chúng tôi được chi trả hoàn toàn hay phải chi trả một phần. Có như thế chúng tôi mới thật sự yên tâm, tránh được những thắc mắc không cần thiết giữa người mua và người bán bảo hiểm.
Trên thế giới, rất nhiều nước đang áp dụng đa dạng hoá các loại bảo hiểm y tế như cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường bảo hiểm, bảo hiểm và tái bảo hiểm, bảo hiểm riêng cho từng loại bệnh, bảo hiểm bệnh cấp cứu, tai nạn và bệnh nghề nghiệp.
Một vấn đề khác cũng khá hay trong việc khám chữa bệnh cho người dân là khuyến khích các nhà từ thiện mua Bảo hiểm Y tế cho người nghèo.
Tuy nhiên, về mặt hình thức và hiệu quả, thật sự chỉ là thời vụ và kết quả chưa cao. Chúng tôi đã thấy trong bệnh viện có những bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nguy hiểm được báo chí và giới truyền thông thông báo, có khá nhiều người đến cho tiền. Nhưng có người không sử dụng số tiền đó để chữa bệnh mà dùng để mua sắm các tiện nghi sinh hoạt trong nhà như truyền hình, tủ lạnh, máy nghe nhạc…
Nhà nước đã bỏ ra một số tiền khá lớn để mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, tại sao lại không khuyến khích những nhà hảo tâm, những doanh nghiệp mua bảo hiểm cho họ. Với những thẻ bảo hiểm y tế cầm trong tay, chúng tôi tin rằng những người nghèo sẽ yên tâm làm ăn, khi có bệnh họ sẽ được khám và chữa trị hoàn toàn miễn phí. Cách làm này xem ra sẽ hiệu quả và thiết thực hơn nhiều so với các hình thức từ thiện khác mà chúng ta đã thực hiện trước đây.
Biến ngành y tế dịch vụ thành thế mạnh
Một điều mà ít người trong ngành y tế nghĩ đến là phải biến nền y tế dịch vụ với những thế mạnh không thể chối cãi được thành nền kinh tế mũi nhọn giống như công nghệ lắp ráp điện tử, dịch vụ tài chính và ngân hàng.
Chúng ta có nhiều bệnh viện lớn với đội ngũ thầy thuốc và những chuyên gia giỏi, đầu ngành, rất có uy tín trong việc khám và chữa bệnh cho người dân trong nước và cả nước ngoài đến. Nếu chúng ta làm tốt điều này, đó sẽ là nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Điều này đã được chứng minh qua việc xây dựng những bệnh viện hiện đại ở Bangkok như Bamrungrade mà chúng tôi đã có dịp ghé qua.
Chúng tôi ước mong một thời gian không xa, Việt Nam sẽ có những bệnh viện như vậy. Muốn làm được điều đó rất cần tách riêng nền y tế thành hai thành phần: Y tế dịch vụ và Y tế phục vụ và cũng rất cần một cơ chế thoáng để có thể biến nền y tế dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn.