Nể phục cách chọn ngành của GS. Đàm Thanh Sơn
Tôi gặp Đàm Thanh Sơn vào năm 1990 trong một buổi dạ hội ở ký túc xá của Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Tôi hơi bất ngờ khi biết chàng thanh niên giản dị này là người đoạt Huy chương vàng ngay đầu dự Olympic Toán quốc tế ở Prague với số điểm tuyệt đối 42/42. Điều này khiến anh trở thành “sao” trong giới học sinh, sinh viên.
GS. Đàm Thanh Sơn |
Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Bố của Đàm Thanh Sơn là Đàm Trung Bảo, Giáo sư ngành dược; mẹ là Nguyễn Thị Hảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành sinh – hóa. Bản thân Đàm Thanh Sơn học giỏi toàn diện từ nhỏ và là học sinh chuyên toán tin của Trường Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhờ thành tích đoạt Huy chương vàng Toán quốc tế mà sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đàm Thanh Sơn được gửi sang Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov để học đại học. Ai cũng nghĩ với thành tích huy chương vàng Toán quốc tế, Đàm Thanh Sơn sẽ học khoa Toán cơ là khoa “quý tộc” của trường đại học danh tiếng nhất Liên Xô thời bây giờ. Nhưng không, Đàm Thanh Sơn cương quyết chọn học ngành Vật lý tại trường đại học này.
Lý giải điều này, Đàm Thanh Sơn nói: “Khi sang đây, người ta cho tôi chọn ngành để học đại học. Hầu như tất cả mọi người đều nghĩ tôi sẽ chọn học Toán vì tôi đã học chuyên Toán, lại có thành tích nổi bật khi thi Toán quốc tế. Nhưng tôi đã chọn môn Vật lý vì hồi còn bé tôi đã thích môn này hơn. Hồi nhỏ, tôi có đọc một số sách phổ biến khoa học như: Vật lý vui của của tác giả Yakov Perelman, Câu chuyện các hằng số vật lý cơ bản của tác giả Đặng Mộng Lân… Tôi thấy thuyết Tương đối của Einstein, Thuyết cơ học lượng tử rất là hay nên tôi muốn tìm hiểu thêm về các môn này. Do vậy, tôi chọn ngành Vật lý để học”.
Học ngành yêu thích, Đàm Thanh Sơn trở thành nhà khoa học lớn
Tốt nghiệp ngành Vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov xuất sắc, Đàm Thanh Sơn được chọn làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu hạt nhân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đàm Thanh Sơn tập trung nghiên cứu nên anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ năm 25 tuổi.
Năm 1995, Tiến sĩ Đàm Thanh Sơn sang Mỹ; đầu tiên anh nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Đại Học Washington, được phong Giáo sư. Sau đấy, anh chuyển sang Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Columbia, Đại học Chicago… Nói chung, Đàm Thanh Sơn tham gia giảng dạy và có mối quan hệ với nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học của Mỹ. Anh nghiên cứu về vật lý lý thuyết, chủ yếu là vật lý hạt cơ bản, vật lý hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết dây.
Đàm Thanh Sơn được nhiều nhà khoa học công nhận là nhà vật lý xuất sắc. Đầu năm 2005, Đàm Thanh Sơn, P. K. Kovtun, và A. O. Starinets công bố một công trình mới về một mô hình lỗ đen lỏng (liquid black hole) trong không gian 10 chiều. Công trình này gây tiếng vang trong giới bác học chuyên sâu. Các tạp chí thông tin khoa học có ảnh hưởng rộng như New Scientist, Physics Today đều có bài viết đánh giá cao về công trình này, xem đây là một phát minh lý thuyết quan trọng.
Tuy còn trẻ nhưng Đàm Thanh Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong khoa học và được công nhận rộng rãi. Năm 2014 anh trở thành thành viên của Viện hàn lâm khoa học và Nghệ thuật Mỹ, cũng năm này anh được bầu là thành viên Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ. Ngày 8 tháng 8 năm 2018 Đàm Thanh Sơn nhận Dirac Medal của Trung tâm quốc tế về Vật lý Lý thuyết ICTP cùng với hai nhà vật lý lý thuyết là Subir Sachdev (Đại học Harvard, người Ấn Độ) và Văn Tiểu Cương (MIT, người Mỹ gốc Trung Quốc). Đây là Huy chương cao quý nhất trong ngành vật lý lý thuyết.
Đàm Thanh Sơn giữ mối quan hệ chặt chẽ với bạn bè và đồng nghiệp ở Việt Nam. Năm 2008 tổ chức Olympic Vật lý quốc tế ở Việt Nam, anh là một trong ba giáo sư vật lý Việt Nam được mời tham gia Ban tổ chức. Sau đó cứ có điều kiện là anh lại trở về Việt Nam thông báo những vấn đề mới mẻ trong khoa học Vật lý. Anh đang cố gắng giúp các đồng nghiệp ở Việt Nam tiếp cận với những khuynh hướng mới nhất trong nghiên cứu Vật lý.
Để trở thành một nhà khoa học lớn, Đàm Thanh Sơn có năng lực trí tuệ siêu việt; anh lại chăm chỉ và nghiêm túc trong học tập và nghiên cứu. Song, một trong những nguyên nhân của thành công là anh cương quyết chọn ngành Vật lý – ngành khoa học anh yêu thích và say mê từ bé. Bởi vì say mê là nguồn động lực mạnh mẽ nhất.