NASA lập văn phòng bảo vệ Trái Đất khỏi các tiểu hành tinh
Hình ảnh một tiểu hành tinh lao vào Trái Đất (nguồn: NASA) |
Văn phòng này sẽ quản lý tất cả các dự án được NASA tài trợ, để phát hiện, theo dõi các tiểu hành tinh và sao chổi bay qua gần quỹ đạo Trái Đất. Nếu phát hiện có mối đe dọa, văn phòng sẽ điều phối giữa NASA với Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) và các cơ quan khác để phản ứng thích hợp.
"Phát hiện các tiểu hành tinh, theo dõi và bảo vệ hành tinh của chúng ta là việc mà NASA, các đối tác liên ngành của NASA và cộng đồng thế giới rất coi trọng" – ông John Grunsfeld, một quan chức cao cấp của NASA tuyên bố. "Mặc dù hiện tại không có mối đe dọa nào, năm 2013, một siêu cầu lửa có tên là Chelyabinsk và gần đây, tiểu hành tinh Halloween bay qua gần Trái Đất, nhắc nhở chúng ta cần cảnh giác và luôn phải để mắt quan sát bầu trời".
NASA cho biết, đã có hơn 13.500 vật thể vũ trụ có kích thước khác nhau bay gần Trái Đất được phát hiện kể từ cuộc khảo sát của NASA năm 1998. Theo số liệu của NASA, có khoảng 1.500 vật thể này được phát hiện hàng năm.
Tiến sĩ Kelly Fast, người quản lý Chương trình giám sát các vật thể vũ trụ ở gần Trái Đất của NASA, cho biết: "Mặc dù phần lớn các vật thể này sẽ bốc cháy do ma sát khi rơi vào bầu khí quyển Trái Đất, và tan rã trước khi rơi xuống bề mặt hành tinh, những vật thể lớn có kích thước khoảng 30-50m có thể không bị tan rã hết, và sẽ gây thiệt hại trên diện rộng trong và xung quanh tầm ảnh hưởng của chúng".
Một vụ va chạm lớn giữa Trái Đất và một tiểu hành tinh được cho là hồi chuông báo tử cho loài khủng long cách đây 65 triệu năm. Lần gần đây nhất, sự kiện này xảy ra là năm 1908, khi một thiên thể ngoài hành tinh có chiều ngang 50m rơi xuống Trái Đất ở vùng Tunguska (Nga). Vụ nổ này có năng lượng tương đương 1.000 quả bom nguyên tử, đã phá hủy 80 triệu cây rừng Taiga, và gây sóng xung kích trên toàn nước Nga.
Theo Trung Hiếu/ TGVN