Nạo vét lòng hồ Hoàn Kiếm quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm qua
Hồ Hoàn Kiếm chuẩn bị được cải tạo với quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm qua. |
Sáng nay (12/6), Cty Thoát nước Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Môi trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiến hành lấy mẫu đánh giá tác động môi trường phục vụ công tác nạo vét hồ Hoàn Kiếm. Đây được coi là một trong những hạng mục của phương án cải tạo nước hồ.
Trong buổi sáng này hôm nay, đơn vị tư vấn sẽ lấy mẫu khí, mẫu nước, mẫu trầm tích để tiến hành nghiên cứu phương án cải tạo. Sau khi có mẫu xét nghiệm, đơn vị thi công đánh giá tác động môi trường và trình Sở Tài nguyên Môi trường để lấy ý kiến sau đó sẽ hoàn thiện phương án nạo vét hồ hoàn kiếm để trình thành phố phê duyệt. "Được xác định rất rõ đây là di tích quốc gia đặc biệt và rất nhạy cảm nên sau khi có đánh giá tác động môi trường chúng tôi sẽ hoàn thiện phương án, xin ý kiến của bộ văn hoá thể thao du lịch, sau đó trình Thành uỷ và lấy ý kiến rộng rãi của người dân" - ông Đặng Ngọc Toàn - Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ Cty Thoát nước Hà Nội cho biết.
Ông Toàn chia sẻ thêm, phương án đề xuất của công ty là khảo sát và về cơ bản một trong những bước quan trọng trong công tác cải tạo môi trường nước hồ hoàn kiếm đó là nạo vét lớp bùn ở đáy hồ. Theo khảo sát lượng bùn ở hồ Hoàn Kiếm có nơi sâu đến 1m và có những chỗ từ mặt nước xuống mặt bùn có nơi chỉ còn 50cm.
Phương án nạo vét cũng rất cẩn trọng, chia làm 12 khu vực nạo vét, đầu tiên dùng lưới vây để dồn, vớt các hệ sinh vật thuỷ sản dưới hồ về 1 phía. Phương án thi công sẽ là nạo vét dần, cuốn chiếu, xong một ô mới chuyển sang ô khác. Đặc biệt xung quanh phần kè hồ, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc sẽ làm thủ công để bảo vệ chân kè.
Công ty môi trường đang tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm. |
Được biết, ngoài nạo vét thì lần này hồ Hoàn Kiếm sẽ được cải tạo tổng thể, còn cải tạo môi trường nước. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, sau khi nạo vét xong sẽ để từ 4-5 tháng để môi trường hoàn nguyên rồi mới tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, phân tích thật kỹ lưỡng sau đó mới tính tới bước tiếp theo. Điểm đặc biệt phải chú trọng trong lần cải tạo này là bảo vệ màu xanh đặc hữu của hồ Hoàn Kiếm.
Cũng trong sáng nay, chia sẻ với báo giới, bà Hoàng Thu Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường ĐH Bách khoa HN cho biết, với tất cả dự án cải tạo môi trường nói chung và Hồ Hoàn Kiếm nói riêng đều phải đánh giá tác động môi trường xem giải pháp đưa ra triển khai sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc cải tạo chất lượng môi trường cũng như ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực xung quanh. "Trong 20 năm qua lòng hồ Hoàn Kiếm chưa được cải tạo lần nào với quy mô lớn nên nước hồ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng" - bà Hương cho biết.
Việc cải tạo lần này không được làm thay đổi màu xanh đặc trưng của mặt nước hồ Hoàn Kiếm. |
Theo bà Hương, từ những năm 1990, hồ Hoàn Kiếm đã được nạo vét lòng hồ với khoảng vài nghìn mét khối bùn, từ đó trở đi ko còn dự án nào nữa. Mặc dù BQL hồ Hoàn Kiếm đã cấm hoàn toàn việc xả thải quanh hồ nhưng lá cây rụng xuống hồ và nhiều nguyên nhân khác nữa khiến lớp trầm tích trên mặt hồ vẫn dày thêm. "Dù có thay sạch nước hồ Hoàn Kiếm thì chỉ trong thời gian ngắn cũng sẽ bị ô nhiễm lại" - bà Hương khẳng định.
Việc cải tạo hồ Hoàn Kiếm lần này phải đặc biệt lưu ý đến màu xanh của nước hồ. Theo bà Hương, hồ Hoàn Kiếm trước kia được coi là hồ lục thuỷ với màu xanh đặc trưng của mặt nước. Việc cải tạo lần này vẫn phải giữ được màu xanh đặc trưng trên.
“Chúng tôi sẽ xác định mức độ trầm tích, chất lượng nước, hệ sinh thái đánh giá về các loại động thực vật tầng đấy và mặt nổi, kiểm tra mẫu đất, chất lượng không khí, lượng bụi xung quanh, nước ngầm… những thông số này gửi tham mưu cho lãnh đạo UBND TP để có phương án cải tạo. Theo kế hoạch bản báo cáo sẽ được làm từ 30 tới 45 ngày sau đó gửi cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến nhà khoa học xem có phê duyệt báo cáo đó hay ko” – bà Hương nói.
Theo kế hoạch, trong 4 tháng tới sẽ tiến hành nạo vét lòng hồ Hoàn Kiếm, việc nạo vét sẽ thực hiện từ 22h đến 5h sáng hôm sau để không làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như thói quen sinh hoạt của người dân.