Nâng uy tín thương hiệu sản phẩm, tăng lợi nhuận kinh tế nhờ tham gia Chương trình OCOP
Tham gia Chương trình OCOP, Hợp tác xã được tư vấn thiết kế bao bì, mã code, xây dựng nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền; sản phẩm được xếp hạng sao góp phần làm tăng thêm giá trị và khẳng định uy tín thương hiệu sản phẩm.
Hợp tác xã Nông nghiệp An Bình được đăng ký thành lập lần đầu năm 2015, có trụ sở đặt tại ấp Phú Hiệp, xã An Bình, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang).
Theo Hợp tác xã nông nghiệp An Bình, xuất phát từ thực tế lúa hàng hóa tạo ra đạt chất lượng, đảm bảo kiểm soát các chỉ tiêu dư lượng bảo vệ thực vật, nên các thành viên Hợp tác xã đề xuất mở rộng dịch vụ cung ứng gạo an toàn ra thị trường vào cuối năm 2018 nhưng vì một số yếu tố khách quan, chủ quan nên chưa thể thực hiện được và tiếp tục ấp ủ dự định.
Sản phẩm gạo An Bình 1 được UBND tỉnh An Giang công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2020. |
Đến năm 2019, khi biết đến Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP của tỉnh, Hợp tác xã đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình. Hợp tác xã mong muốn tham gia Chương trình OCOP để đạt được mục tiêu đưa sản phẩm gạo đạt chất lượng do Hợp tác xã sản xuất ra thị trường bên ngoài nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm lợi nhuận cho các xã viên và cũng để khẳng định vị thế, uy tín của tổ chức tại địa phương.
Sau khi tham gia Chương trình OCOP, Hợp tác xã nông nghiệp An Bình đã thấy thực sự hiệu quả mang lại. Trước đây Hợp tác xã đã sản xuất gạo thông thường bán cho người dân xung quanh và các thành viên Hợp tác xã không có nhãn mác, bao bì đẹp mắt. Từ khi tham gia Chương trình OCOP, tất cả các thành viên của Hợp tác xã đều nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành đoàn thể các cấp.
Hợp tác xã được tư vấn thiết kế bao bì, mã code, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu độc quyền; hỗ trợ giới thiệu, quản bá sản phẩm trên các kênh phương tiện thông tin chính thức của Nhà nước miễn phí.
Hợp tác xã được tạo điều kiện đưa sản phẩm tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, sản phẩm được tiếp cận hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh; để tạo sự gắn kết giữa Hợp tác xã với người tiêu dùng lại gần nhau hơn.
Sản phẩm gạo An Bình 1 được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2020, đã góp phần làm tăng thêm giá trị và khẳng định uy tín thương hiệu sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp An Bình. Từ khi sản phẩm gạo An Bình 1 đạt chứng nhận OCOP, doanh số đem lại từ dịch vụ này ngày càng tăng, lợi nhuận kinh tế cao hơn và là cơ sở giúp địa phương đánh giá mức độ hoạt động hiệu quả của Hợp tác xã. Đồng thời, tạo việc làm cho xã viên và người dân ở địa phương.
Hợp tác xã nhận thấy, tham gia Chương trình OCOP là thực hiện cả một chuỗi giá trị khép kín theo đúng hướng dẫn tại Nghị định số 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, sản phẩm gạo An Bình 1 được thực hiện theo chuỗi như được Hợp tác xã cung cấp vật tư đầu vào, nông dân thực hành canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP và được kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ, nông dân được bao tiêu sản phẩm. Hợp tác xã tạo ra sản phẩm gạo an toàn đưa đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một hướng đi đúng cho Hợp tác xã trong thới gian tới.
Hợp tác xã Nông nghiệp An Bình tự hào là 1 trong 3 Hợp tác xã đầu tiên của tỉnh An Giang có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Từ đó giúp cho niềm tin của thành viên vào Ban quản lý, uy tín Hợp tác xã được nâng lên, hình ảnh Hợp tác xã được vươn ra các tỉnh thành khác. Từ đó Hợp tác xã sẽ mở rộng phạm vi hoạt động.
Để có thể tiếp tục mở rộng và phát triển, thời gian tới Hợp tác xã Nông nghiệp An Bình sẽ phát triển thêm thành viên Hợp tác xã, tăng diện tích sản xuất, đảm bảo sản lượng gạo của Hợp tác xã có thể đáp ứng được nhu cầu mở rộng thị trường.
Đồng thời, Hợp tác xã hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ kinh phí mở rộng sản xuất, cũng như hỗ trợ công tác quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua nhiều hình thức đa dạng hơn.
Thảo Nguyên