Nàng dâu thảo mừng vì cha chồng còn la mắng mình

Năm 2004, khi chồng mất do sự cố lúc lặn biển, chị Phạm Thị Thúy, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn) mới bước sang tuổi 24.
Con trai của hai anh chị thì vừa tròn 2 tuổi. Một thân một mình, chị gồng gánh nuôi con, phụng dưỡng người cha chồng bị tai biến nằm một chỗ và mẹ chồng nay cũng đã ngoài 80.

“Cha còn la, là cha còn khỏe”

Bị tai biến lần thứ 2, lại còn ngã gãy xương đùi, nên cụ Lê Duy Tạo, cha chồng của chị Thúy, nằm một chỗ đến nay đã 3 năm. Mọi sinh hoạt từ ăn cơm, uống nước, tắm rửa, đi vệ sinh… được chị Thúy và mẹ chồng luân phiên nhau chăm sóc.

Những hôm phải đi buôn thúng bán bưng, thì việc chăm ông, chị đành giao cho mẹ chồng. Còn khi ở nhà, thì từ giặt giũ quần áo, cho đến tắm rửa cho ông, chị Thúy đảm nhận tất cả. Đêm đến, thương mẹ già yếu, không đủ sức thức khuya, chị Thúy giành luôn phần chăm cha. Những lần trái gió trở trời, ông đau nhức không ngủ được, một tay chị Thúy xoa dầu, thức cả đêm để lo cho ông tròn giấc.

Còn chị, có đêm gần như thức trắng.

Nàng dâu thảo mừng vì cha chồng còn la mắng mình - ảnh 1

Mọi sinh hoạt, cụ Lê Duy Tạo đều nhờ cả vào người con dâu thảo Phạm Thị Thúy.


Tuổi già, lại bị bệnh tật hành hạ, nên tính khí của ông Tạo rất thất thường. Nhiều lúc, cơm canh không vừa miệng, hay chỉ cần một sơ suất nhỏ, là ông lại la mắng không ngừng. Ấy thế nhưng chị Thúy chẳng nề hà, cũng chẳng “để bụng”, mà còn cảm thấy đó là điều may mắn. “Nhiều người bị tai biến, liệt toàn thân và không nói được. Còn cha tôi, may mà cha còn nói được, còn la được. Nhờ vậy mà khi cha muốn đi vệ sinh hay cha cần gì…thì tôi có thể biết mà lo cho cha”, người con dâu hiền thảo tỏ bày.

Ngược xuôi thân cò

Vừa vẹn chữ hiếu với cha mẹ chồng, chị Thúy vừa nặng gánh áo cơm trên vai. Không nghề nghiệp, không bằng cấp, lại nuôi con một mình, có lúc chị như chới với trước những khó khăn, sóng gió của cuộc đời. Nhưng rồi, khi nhìn đứa con trai Võ Duy Tú và cha mẹ già, chị Thúy dặn lòng phải mạnh mẽ.

Mùa biển êm, chị Thúy chực chờ tàu của ngư dân vào để mua nhum, mua hải sản đi bán lại lấy công làm lời. Mùa biển động, chị gửi con lại cho cha mẹ chồng, rồi khăn gói lên Đắk Lắk làm cà phê. “Vừa mua 1ha đất rẫy ở Đắk Lắk được 1 tháng thì anh mất, nên cực khổ mấy, tôi cũng ráng chăm sóc rẫy cà phê để chồng mình thỏa ước nguyện”, chị Thúy bồi hồi. Túc trực tại chỗ để trồng cà phê đã vất vả, đằng này, chị Thúy phải chạy ngược xuôi giữa Quảng Ngãi và Đắk Lắk nên nỗi vất vả nhân lên gấp bội.

Làm người mẹ đơn thân, chị Thúy vừa làm cha, vừa làm mẹ. Có lẽ, chính bởi cảm nhận được nỗi vất vả, sự hy sinh của mẹ nên cháu Lê Duy Tú rất ngoan, và biết vâng lời. Năm nay bước lên lớp 6, cháu Tú đã có 5 năm liền là học sinh khá, giỏi của Trường Tiểu học Bình Châu. “Mỗi lần đi Đắk Lắk làm rẫy, tôi chẳng bao giờ dám nói với con chính xác ngày về. Bởi chỉ cần biết ngày, là cháu lại ra ngõ đứng chờ tôi từ sáng sớm”, chị Thúy xúc động.

Bươn chải giữa cuộc đời, nhưng chị Thúy vẫn đẹp mặn mà so với tuổi 33. Ấy thế nhưng, khi được hỏi sao chị không đi bước nữa, chị chỉ cười.

Người phụ nữ có đủ cả “công, dung, ngôn, hạnh” này khẽ xua tay khi nghe tôi có ý định tìm hiểu để viết bài. Bởi với chị, dù chồng không còn nữa, nhưng chị luôn xem cha mẹ anh như cha mẹ ruột của mình. Chăm sóc cho cha mẹ là điều duy nhất chị còn có thể làm vì người chồng quá cố. Ông Lê Duy Tạo, cha chồng của chị Thúy cứ mỗi lần có người đến thăm, là ông lại khóc: “Nếu không có đứa con dâu này, thì tôi không sống được đến giờ…”

Theo Ý Thu/Báo Quảng Ngãi

Tình cờ nghe cuộc nói chuyện của bố mẹ chồng, tôi buồn bã mất ăn mất ngủ

Tôi luôn coi mẹ chồng như mẹ ruột của mình và nghĩ bà cũng coi tôi như con gái, nhưng có lẽ không phải vậy.

Quá thương bố, tôi không muốn về quê: Lý do được con gái chia sẻ tận đáy lòng

Có một điều gần đây tôi mới chia sẻ với chồng: Tôi rất ngại về quê vì khi rời đi, nhìn bố một mình, tôi lại cảm thấy không nỡ... Tôi cứ chìm đắm trong nỗi thương bố và nhớ mẹ.

Về quê nghỉ lễ, nàng dâu rớt nước mắt khi thấy một thứ trong mâm cơm nhà chồng

Mâm cơm đơn giản nhưng chứa đựng biết bao yêu thương và quan tâm trong đó. Mỗi miếng thịt, mỗi cọng rau, đều chứa chan tình cảm của mẹ.

Về nhà để được nếm trọn hương vị yêu thương từ tô canh đọt nhãn lồng của mẹ

Sớm tinh mơ, tiếng chuông Zalo vang lên. Ngay sau đó là hình ảnh đọt nhãn lồng xanh mướt được bé út gửi qua, kèm tin nhắn: “Nghe nói lễ năm nay anh hai được về, mẹ chăm tưới tụi nó tốt mơn mởn luôn!”.

Về quê không báo trước, nàng dâu nghẹn ngào thấy cảnh ở nhà bố mẹ chồng

Cả nhà tôi về quê không báo trước mới biết bố mẹ ở nhà ăn uống kham khổ. Ấy thế, mỗi lần con cháu về, ông bà thiết đãi đủ thứ, từ gà vịt đến tôm cua.

Anh trai sắp phá sản, mất sạch cửa nhà, em giàu có từ chối cho vay 50 triệu

Các cụ xưa có câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, thế mà anh em ruột nhà tôi chẳng bằng ao nước lã.

Nghỉ lễ con rủ về quê, mẹ nghẹn ngào 'bán hết rồi, nhà đâu mà về'

Mỗi dịp lễ, Tết, mẹ lại xốn xang muốn về gặp họ hàng, người thân. Nghĩ đến cảnh người ta có quê, có nhà để về, mình thì không, mẹ lại giấu tôi khóc.

Nhận cuộc gọi từ quê, tôi bần thần nhớ ngoại, tiếc những ngày mải mê kiếm tiền

Mỗi lần về quê dịp 30/4, ngoại thường nấu cho mấy đứa cháu món canh cá lóc nấu chua chuẩn vị Nam bộ. Giờ hình ảnh ngoại lui cui trong chái bếp đã thành quá khứ.

3 con gái lấy chồng xa, mẹ nuôi đàn gà chỉ mong con cháu về nghỉ lễ

Mới sớm, mẹ đã gọi điện hỏi xem dịp lễ này con có về quê ngoại. Chưa kịp trả lời đã thấy mẹ sụt sùi, giọng nghẹn lại, con cũng cứ thế nước mắt tuôn rơi.

Anh em ruột muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp, đừng nói về 2 điều này

Anh chị em trong nhà cũng cần phải biết một số quy luật ngầm giúp giữ cho mối quan hệ được tốt đẹp.

Đang cập nhật dữ liệu !