Nâng cấp trí nhớ bằng cách cấy một con chip vào não bộ
Một đoạn video đen trắng đã cũ, quay lại thử nghiệm trên một bệnh nhân quấn băng trên đầu. Anh ta đang ngồi trên giường bệnh, bên trong một cơ sở của Mayoclinic ở Minnesota, Hoa Kỳ. Bệnh nhân cố gắng nhớ lại 12 từ trong một bài kiểm tra trí nhớ. Sau khi cố gắng nhớ được ba từ: cá voi, hổ, vườn thú, anh ta bỏ cuộc và đưa hai tay lên ôm mặt thất vọng.
Nhưng đến một video thứ hai, vẫn là bệnh nhân ấy. Lần này, anh ta đã đọc được thuộc lòng cả 12 từ, liền mạch không dứt đoạn. "Đừng đùa tôi đấy chứ, anh đã làm được rồi", một nhà nghiên cứu nói.
Đó là bởi lần thứ hai này, bệnh nhân đã được giúp đỡ. Có một con chip tăng cường trí nhớ vừa được gắn thẳng vào não anh ấy.
Bạn có thể nâng cấp trí nhớ của mình bằng một con chip cấy vào não bộ.
Chỉ trong vòng năm năm qua, Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Tiên tiến Hoa Kỳ (DARPA) đã đầu tư 77 triệu USD vào việc phát triển các thiết bị, giúp khôi phục lại chức năng trí nhớ cho nạn nhân chấn thương sọ não. Năm ngoái, hai nhóm nghiên cứu đã độc lập tiến hành các thử nghiệm trên người thành công, với những kết quả rất hấp dẫn.
Thiết bị thử nghiệm tại Mayo Clinic ở trên được tạo ra bởi Michael Kahana, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennsylvania. Nó là một con chip có thể kết nối với vỏ não trái, theo dõi hoạt động điện não và dự báo liệu một ký ức lâu dài đã được hình thành bên trong đầu bạn hay chưa.
"Giống như các nhà khí tượng học dự đoán thời tiết bằng cách đặt các cảm biến đo độ ẩm, tốc độ gió và nhiệt độ, chúng tôi đặt các cảm biến trong não và đo tín hiệu điện", giáo sư Kahana nói.
Ngay khi quá trình ghi nhớ trong não bộ diễn ra không tối ưu, có thể là bộ não của bạn bị lỗi ở đâu đó, con chip sẽ phóng ra một cú chích điện nhẹ. Cú chích này nhẹ đến nỗi bệnh nhân không thể cảm nhận được, nhưng vẫn có tác dụng khuyếch đại tín hiệu và gia tăng cơ hội hình thành trí nhớ cho họ.
Trong hai nghiên cứu riêng biệt, các nhà nghiên cứu tìm thấy phiên bản thử nghiệm của con chip đã giúp bệnh nhân củng cố trí nhớ từ 15% đến 18%.
Trong một thử nghiệm thứ hai, thiết bị đã được gắn cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế Wake Forest Baptist, dưới sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California. Con chip lần này đã được tinh chỉnh thêm.
Kết quả nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy các bệnh nhân này đã cải thiện tới 37% khả năng hình thành và lưu giữ ký ức.
"Chúng tôi có thể nói đó chính là mã code cho một ngôi nhà màu vàng với một chiếc ô tô đỗ trước cửa"
Để hình thành ký ức, một số tế bào thần kinh sẽ phải bắn ra một loạt tín hiệu đặc biệt để truyền đi một loại mã. "Mỗi ký ức của mỗi người lại có những mã tín hiệu độc đáo khác nhau", Robert Hampson tác giả nghiên cứu cho biết.
Sau khi khảo sát vài chục tế bào thần kinh ở hồi hải mã, vùng não chịu trách nhiệm hình thành trí nhớ của con người, nhóm của Hampson đã học được các mã code mà não bộ bệnh nhân dùng để hình thành ký ức.
Khi những tín hiệu gửi mã bị yếu đi, con chip đã có thể kích thích các mã tương tự thay thế để củng cố trí nhớ cho bệnh nhân.
Các tín hiệu được giải mã ở độ phân giải chính xác đến từng cá nhân và từng ký ức cụ thể. "Chẳng hạn, chúng tôi có thể nói đó chính là mã code cho một ngôi nhà màu vàng với một chiếc ô tô đỗ trước cửa", Theodore Berger, giáo sư kỹ thuật sinh học tại Đại học Nam California nói.
Hiện tại, những con chip tăng cường trí nhớ mới chỉ được thử nghiệm trên bệnh nhân động kinh, những người đã có sẵn điện cực từng được cấy vào não để theo dõi các cơn co giật của họ.
Mỗi con chip lúc này cũng đòi hỏi một thiết bị kèm theo khá cồng kềnh, những thứ không thể để vừa trong hộp sọ của bạn. Bởi vậy, bước tiếp theo trong nghiên cứu sẽ nhắm đến việc thu nhỏ các thiết bị này, đồng thời nộp đơn xin được chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Một công ty khởi nghiệp có tên là Nia Therapeutics Inc. đã nhanh nhẹn thương lượng để có được quyền thương mại hóa công nghệ của giáo sư Kahana.
Mỗi con chip lúc này cũng đòi hỏi một thiết bị kèm theo khá cồng kềnh, những thứ không thể để vừa trong hộp sọ.
Trong lúc đó, Justin Sanchez, cựu giám đốc văn phòng công nghệ sinh học của DARPA, nói rằng các cựu binh Mỹ sẽ là những người đầu tiên sử dụng các con chip tăng cường trí nhớ này. "Chúng tôi có hàng trăm ngàn nhân viên quân sự bị ảnh hưởng bởi chấn thương sọ não", ông ấy nói.
Kế đó, bệnh nhân đột quỵ và Alzheimer sẽ là đối tượng hưởng lợi tiếp theo. Và cuối cùng, con chip có thể phục vụ toàn bộ công chúng, những người bình thường khi họ gặp vấn đề trí nhớ và muốn cấy một con chip vào đầu mình.
Nhưng khả năng áp dụng đại trà có vẻ khó. "Tôi không nghĩ sẽ có ai trong chúng ta muốn tự nguyện đăng ký phẫu thuật não", Sanchez nói. "Chỉ khi các công nghệ này trở nên ít xâm lấn hoặc không xâm lấn, chúng mới được phổ cập".
Tham khảo Blooomberg