Nâng cấp Quốc lộ 1A: "Nếu đủ vốn..."
Nâng cấp Quốc lộ 1A: "Nếu đủ vốn..."
Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc nâng cấp toàn tuyến QL1 (từ Hà Nội đến Cần Thơ), bao gồm bốn làn xe cơ giới, hai làn xe dành cho xe máy có giải phân cách cứng.
Thủ tướng giao Bộ GTVT áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo giá quy định của Nhà nước, có tiết kiệm 5% giá dự toán. Tổng số vốn đầu tư khoảng 126.415 tỉ đồng. Đây là một dự án lớn, xuyên suốt chiều dài đất nước nên nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và đông đảo giới chuyên môn.
Đánh giá về quá trình mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A, PGS.TS.Nguyễn Văn Thụ, Giảng viên trường Đại học GTVT, Nguyên Viện trưởng viện Quy hoạch và quản lý GTVT cho rằng triển khai lúc này là muộn nhưng vẫn còn hơn không.
Cải tạo nâng cấp QL1A sẽ được triển khai trong 4 năm. Ảnh internet |
PGS Thụ lý giải, giao thông vận tải thường phải đi trước một bước để mở đường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chúng ta lại đi chậm. “Việc quyết định cải tạo, nâng cấp QL1 là đúng đắn, sáng suốt. Nó không chỉ phục vụ riêng cho hơn 30 tỉnh đi qua, mà với hệ thống đường kết nối sẽ tạo ra sự phát triển của tất cả các vùng miền trong cả nước và sẽ tác động đến với cả khu vực Đông Nam – Á” – ông Thụ nhận định.
Mặc dù đây là đề án lớn nhưng lại chỉ diễn ra trong vòng bốn năm, vì thế chủ trương nâng cấp cải tạo quốc lộ 1A sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. “Xương” nhất vẫn nằm ở hai vấn đề then chốt: nguồn vốn và vấn đề giải phóng măt bằng.
Ở khu vực phía Bắc, nhiều đoạn QL1A đã được mở rộng như: Hà Nội - Bắc Ninh, Hà Nội - Đồng Văn - Phủ Lý. Theo đề án mở rộng của Bộ GTVT, hiện có 368 km QL1A đã có dự án và nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng. Còn ở khu vực phía nam cũng đã triển khai mở rộng QL1A đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. |
Cùng chung quan điểm này, TS Khuất Việt Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT, Giám đốc TT Hợp tác Quốc tế về Đào tạo và Nghiên cứu cho rằng, mặc dù thời gian triển khai gấp nhưng dự án sẽ bắt kịp tiến độ.
Ông Hùng phân tích, chương trình nâng cấp QL1 đã có sự chuẩn bị tương đối lâu rồi. Vì vậy dự án bây giờ đã được duyệt và đã có thiết kế đầy đủ. Bây giờ chỉ bắt tay triển khai.
Theo ông Hùng vấn đề mấu chốt nhất vẫn là nguồn vốn. Có thể trong 2 năm 2012 – 2013 vốn chậm một chút, nhưng từ năm 2014 sẽ tổng lực để giải quyết. Đến năm 2016 có thể hoàn thiện cơ bản việc nâng cấp QL1A.
TS. Nguyễn Ngọc Long, nguyên Chánh VP Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm ngành GTVT, Phó chủ tịch thường trực Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá đây là một dự án lớn và rất cần thiết phải thực hiện. TS. Nguyễn Ngọc Long cho rằng, muốn triển khai hiệu quả cần phải có đầy đủ luận cứ khoa học, giao cho tư vấn, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm.
“Khó khăn tuy nhiều nhưng nếu quyết tâm thì sẽ làm được. QL1A sẽ hoàn thiện trong thời gian quy định, nếu biết tổ chức và huy động toàn lực tập trung và phân nhiệm thực hiện, vì chúng ta có đủ lực lượng xây dựng cầu đường” – Nguyên Viện trưởng viện Quy hoạch và quản lý GTVT khẳng định.
Bằng mọi cách thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A Trả lời Infonet xung quanh quan điểm của Chính phủ về thu hút vốn triển khai mở rộng Quốc lộ 1A, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: đây là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia nên sẽ quyết tâm làm bằng mọi cách. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong Nghị quyết TƯ 4 Chính phủ đã bàn về vấn đề xây dựng hạ tầng trong điều kiện mới, trong đó có hạ tầng nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A. Trước lo ngại về đề xuất của Bộ GTVT muốn tăng mức thu phí trên tuyến quốc lộ này tối thiểu bằng 75% phí đường cao tốc để có đủ nguồn triển khai dự án, người phát ngôn của Chính phủ chia sẻ, cũng giống như tất cả những dự án trọng điểm khác, nguồn vốn huy động cho dự án phải được huy động tổng thể từ nhiều nguồn: từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn vay từ nước ngoài, đóng góp của nhà đầu tư… Ngay cả các nguồn vốn vay ODA thì suy cho cùng cũng là tiền ngân sách Nhà nước, vì thế để thực hiện thành công dự án và có đủ tiền để làm phải huy động vốn từ xã hội, kêu gọi đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân thông qua hình thức hợp tác công – tư (PPP), xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)… Bán quyền thu phí cho nhà đầu tư cũng chỉ là một trong các hình thức đó. H.Thu |
Nguyễn Dũng