Nam giới vô sinh đến tuyệt vọng vẫn sinh con nhờ các kỹ thuật này
Vô sinh thứ phát hàng chục năm, tinh hoàn teo nhỏ, không sinh tinh…đó là những tình huống éo le khiến quý ông tưởng chừng không thể sinh con
Hạnh phúc vỡ oà
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam thời điểm hiện tại có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tương đương một triệu đôi. Ước tính khoảng 50% cặp vợ chồng trẻ vô sinh ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh nguyên phát thường gặp hơn vô sinh nguyên phát, tỷ lệ vô sinh ở nam giới thường cao hơn nữ giới đang có xu hướng gia tăng sau mỗi năm.
Trao đổi với phóng viên vào sáng 29/5, Ths.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết có rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh vì những lý do không ngờ. Và trong hành trình tìm con dài đằng đẵng ấy (có cặp đến 18 năm) đã có những … “trái ngọt” chào đời.
Vợ chồng anh Trần Khắc Đạt hạnh phúc bên cô con gái |
Đó là trường hợp Tống Thị Thu Hà (SN 1981), anh Trần Khắc Đạt (SN 1974) ở Phú Thọ. Anh chị đến với nhau năm 2016 khi cả hai đều đã trải qua một lần đò, xác định về ở với nhau để nương tựa nhau khi tuổi già. Khi đó anh đã bị vô sinh thứ phát 23 năm, mỗi người đều đã có con riêng.
Tuy nhiên biến cố liên tục xảy ra với gia đình. Năm 2017 chị Hà phát hiện con gái của mình bị u não. Một năm sau, con gái mất, chị suy sụp.
“Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau 14 năm vậy mà giờ đây khi mẹ tìm được người nương tựa thì con lại bỏ mẹ ra đi”, chị Hà nghẹn ngào kể lại.
Di nguyện của con khi đó là mở cửa hàng bán đồ ăn nhanh fastfood. Vì thế, chị lao vào làm việc để quên đi nỗi đau mất con. Đi làm về mệt quá về đến nhà đặt lưng xuống là chị ngủ không biết gì.
Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, chị bị tai nạn gãy xương ức phải nằm viện. Thời gian nằm viện, chị xem tivi, thấy một cặp vợ chồng ở Bắc Giang có bệnh tình tương tự như chồng chị nhưng vẫn có con.
Vậy là chị nhen nhóm một niềm hy vọng dù biết là mong manh. Chị bắt đầu tìm hiểu về phương pháp chữa ca bệnh tương tự với chồng của mình. Năm 2018, vợ chồng anh chị quyết định đặt IVF. Rất may ngay lần đầu đã thành công, dù vô vàn khó khăn. .
Năm 2019, “trái ngọt” Trần Ngọc Phương Diễm chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ.
“Không thể tin nổi, 47 tuổi tôi lại được làm bố lần nữa. Hạnh phúc lắm, vì bản thân tôi đã bị quai bị biến chứng (thời điểm người vợ đầu tiên đã mang thai tháng thứ 6), teo tinh hoàn, không thể có con, vô sinh thứ phát đã 23 năm trời”, anh Trần Khắc Đạt ôm con trên tay sung sướng nói.
Hay một gia đình khác là chị Đ. T. T – anh M.N.N (Nam Định). Anh N. mắc hội chứng Klinefelter (nam giới mắc hội chứng này có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X, có bộ nhiễm sắc thể (NST) 47XXY (bình thường là 46XY) với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh) tưởng chừng không thể có con.
Nhờ được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của vợ, cuối cùng, vợ chồng anh đã hạnh phúc đón bé sau nhiều năm nỗ lực chạy chữa.
Trước đó, trong suốt quá trình điều trị, cả hai vợ chồng cũng từng rơi vào khủng hoảng dù đã chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên, cả bệnh nhân và bác sĩ đều không bỏ cuộc. Bác sĩ phải dùng kính hiển vi, vạch từng lớp trong tinh hoàn, may mắn “bắt” được một số tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm giúp cặp vợ chồng này có một bé gái sau đó.
Căn nhà luôn ngập tràn tiếng cười khác cũng đến với gia đình chị Phạm Thị Bích và anh Nguyễn Quốc Hưng (Lai Châu) khi 13 năm trời ròng rã tìm con với rất nhiều trăn trở. Kinh tế khó khăn, anh chị đã từng nghĩ "giải thoát" cho nhau. Nhưng sự kiên trì của người vợ, sự quyết tâm của chồng khiến họ vẫn đi cùng nhau và họ đã có một cô con gái nhỏ đáng yêu.
Tinh thần quyết định 50% khả năng thành công
“Chúng tôi thành thật khuyên bệnh nhân là dù có mắc vô sinh vì bất kỳ lý do nào thì cũng nên cố gắng giữ tinh thần lạc quan vì yếu tố tinh thần có thể đóng góp đến 50% khả năng thành công khi điều trị”, BS Việt nói.
BS Việt cho biết, người đàn ông vô tinh nguyên nhân do tắc có thể mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh.
Trong trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém có thể mổ vi phẫu để “bắt” từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ.
Đối với trường hợp vô tinh do tắc ống dẫn tinh, BS Việt cho biết bệnh nhân sẽ được áp dụng kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da. Kỹ thuật này khá đơn giản, có thể chọc qua da và thường sẽ lấy được tinh trùng rất nhiều vì quá trình sinh tinh diễn ra bình thường, chỉ có ống dẫn tinh bị tắc…
Còn với trường hợp tinh hoàn tổn thương quá nặng do quai bị, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém thì thường cần dùng đến kỹ thuật cao hơn như kỹ thuật Micro TESE – phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng. Kỹ thuật này hiện khá mới tại Việt Nam và cũng được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng cho những bệnh nhân vô tinh. Bác sĩ “bới móc” toàn bộ tinh hoàn để tìm từng con tinh trùng. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ như vậy thì việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Qua những trường hợp này, BS Việt khuyến cáo, khi khám, nếu bệnh nhân còn tinh trùng, bác sĩ khuyên lấy tinh trùng trữ lạnh để sau này làm hỗ trợ sinh sản. Nếu bệnh nhân không có tinh trùng, sẽ áp dụng kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh, bảo quản lạnh. Khi cặp vợ chồng mong muốn sinh con, tinh trùng trữ lạnh sẽ được rã đông, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Đặc biệt để phòng ngừa bệnh quai bị, các gia đình có con trai nên cho bé đi tiêm phòng quai bị (vì quai bị có thể làm teo cả hai tinh hoàn), tiêm phòng lao cho trẻ và giữ vệ sinh sạch, tránh bệnh viêm niệu đạo.
Ngô Huyền