“Nam công chức mặc áo dài đến công sở là ý tưởng đột phá, cần được ủng hộ”
“Nam cán bộ, công chức mặc áo dài ngũ thân truyền thống vào mỗi thứ Hai đầu tháng của Sở VH-TT Thừa Thiên Huế là một ý tưởng đột phá, cần được ủng hộ…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Ngày 7/9 vừa qua, toàn thể cán bộ, công chức khối văn phòng Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã “diện” áo dài truyền thống đến cơ quan làm việc. Trong đó, nam giới mặc áo dài ngũ thân truyền thống, với tông nền áo màu xanh đậm, quần trắng.
Theo lãnh đạo Sở này, ngành văn hóa sẽ duy trì đều đặn hoạt động này vào các ngày thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng, qua đó “truyền cảm hứng” cho nhiều đơn vị khác cùng thực hiện, góp phần bảo tồn và quảng bá về “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Tuy nhiên, những hình ảnh này sau đó đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Hình ảnh cán bộ, công chức ngành văn hoá Thừa Thiên Huế "diện" áo dài ngũ thân truyền thống trong lễ chào cờ hôm 7/9. |
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đang lắng nghe tất cả ý kiến từ phía dư luận. Với cá nhân ông, áo ngũ thân nam giới có thể mặc bất cứ lúc nào vì tà ngắn, quần hai ống, cho phép đi giày tây... tạo ra hình ảnh rất trang nghiêm, kín đáo, phù hợp với môi trường công sở. Việc nam cán bộ, công chức ngành văn hóa tiên phong mặc áo dài vào ngày thứ Hai mỗi đầu tháng, các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội... là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này.
Ông Phan Thanh Hải cho rằng, có thể, lúc đầu, ý tưởng này sẽ vấp phải nhiều ý kiến phản đối nhưng rồi dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận.
Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia về vấn đề này.
Ông nghĩ gì về ý tưởng nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công của Sở VH-TT Thừa thiên Huế mới đây?
Kế hoạch để nam cán bộ, công chức mặc áo dài ngũ thân truyền thống vào mỗi thứ Hai đầu tháng của Sở VH-TT Thừa Thiên Huế là một ý tưởng đột phá, cần được ủng hộ ở thành ý nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị và tình yêu với văn hoá dân tộc qua trang phục truyền thống.
Sử dụng trang phục truyền thống, hướng tới hình thành một bộ quốc phục, là mong muốn của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hoá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc bàn luận ở các hội thảo, hội nghị.
Việc cụ thể hoá những ý tưởng này, biến ý tưởng thành những hành động trên thực tế cần có những con người, sự kiện cụ thể. So với các tỉnh thành khác, Huế là nơi phù hợp nhất để thực hiện việc này khi đây là thành phố di sản, một trong những nơi được xem là nguồn gốc của áo dài ngũ thân truyền thống.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn. |
Ý tưởng này đang vấp phải nhiều tranh cãi trái chiều vì nhiều người cho việc mang vào áo dài truyền thống vào công sở sẽ gây bất tiện cho công việc. Ông thấy điều này thế nào?
Tôi chia sẻ với những ý kiến trái chiều liên quan đến việc sử dụng áo dài ngũ thân truyền thống trong công sở. Đối với ý kiến ủng hộ, việc sử dụng trang phục này không phải thường xuyên, chỉ sử dụng trong những dịp đặc biệt, cũng như cách thiết kế mới đã tạo ra nhiều thuận tiện hơn trong việc măc áo dài.
Khi đó, việc mặc áo dài sẽ tôn vinh văn hoá dân tộc, giúp chúng ta ý thức hơn về cội nguồn, từ đó thêm tự hào về đất nước mình. Đây là hành trang vô cùng quý giá để chúng ta hội nhập cùng thế giới mà không bị hoà tan. Đối với ý kiến không ủng hộ, tôi tin rằng họ có lý do riêng hợp lý của mình. Đó có thể là lý do liên quan đến mối quan hệ giữa trang phục và công việc. Trang phục là để phục vụ công việc chứ ít khi ngược lại, công việc để phục vụ trang phục. Chính vì thế, việc ăn mặc phải làm sao cho thuận tiện nhất cho công việc mình làm.
Để dung hoà giữa hai quan điểm này, tôi cho rằng, việc tôn vinh áo dài ngũ thân truyền thống là một việc làm hợp lẽ đạo đức. Vấn đề của chúng ta là làm sao thiết kế áo dài này phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện tại, cân nhắc kỹ hơn nữa việc mặc khi nào, ở đâu, với ai để việc mặc bộ quốc phục lên người thực sự tôn vinh và là niềm tự hào của người mặc và của văn hóa dân tộc.
Theo ông, ý tưởng này liệu có làm nổi bật được thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” nói riêng và quảng bá - tôn vinh tà áo dài Việt Nam nói chung?
Theo cách hiểu của tôi, đây có thể là một bước khởi đầu cho việc xây dựng thương hiệu cho thành phố Huế - kinh đô áo dài Việt Nam. Nếu điều này là đúng, chắc chắn những người nghiên cứu về văn hoá sẽ luôn ủng hộ và đồng hành với Huế trong việc xây dựng thương hiệu này. Việc làm này không chỉ giúp ích cho Huế mà cho cả Việt Nam khi mà chúng ta đang mong muốn hình thành các thương hiệu văn hoá, để các thương hiệu này trở thành tiềm lực mới cho sự phát triển bền vững đất nước.
Dĩ nhiên, việc xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, cần có sự chung tay, chung sức của mọi người, của các cơ quan quản lý Nhà nước, nghiên cứu văn hoá, các nghệ nhân, nghệ sĩ, trong đó có cả các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi sử dụng trang phục, cũng như tổ chức các sự kiện tôn vinh trang phục áo dài.
Ý tưởng sử dụng áo dài ngũ thân truyền thống đã là một sự quảng bá (dù thành công hay chưa thành công) khi buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về trang phục truyền thống của dân tộc, hướng tới hình thành một bộ quốc phục thể hiện niềm tự hào Việt Nam.
Theo ông, nếu ý tưởng khả thi, có nhất thiết phải là áo dài ngũ thân nam giới hay nên có sự cải biên để áo dài phù hợp hơn với môi trường công sở, tiện lợi cho người mặc khi làm việc?
Tôi luôn nhấn mạnh rằng, “truyền thống không có nghĩa là gìn giữ đống tro mà là truyền tiếp ngọn lửa”. Việc phục dựng nguyên những bộ trang phục truyền thống sẵn có chắc chắn không phải là giải pháp tốt để hình thành trang phục công sở đầy năng động và bận rộn hiện nay.
Chính vì thế, chúng ta sẽ cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để làm sao có sự cải biên cho phù hợp, đưa được tinh thần của trang phục truyền thống trong trang phục công sở, để tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện một cách bình dị nhất nhưng cũng trang trọng nhất.
Lãnh đạo Sở VH-TT Thừa Thiên Huế tin rằng, ý tưởng mặc áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở sẽ dần được ủng hộ. |
Có nên có sự khuyến cáo để tránh lãng phí và để ý tưởng này đi vào cuộc sống một cách thực tế, mang tính bền vững?
Thực ra, văn hoá cũng có quy luật của nó khi cái gì tồn tại thì hợp lý và cái gì hợp lý sẽ tồn tại. Chúng ta khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo trong văn hoá nghệ thuật miễn là chúng không đi ngược lại những nguyên tắc đạo đức mà xã hội đề cao.
Trên thực tế, nếu trang phục truyền thống tìm được sự đồng cảm từ chính người dân, khi người dân cảm thấy có nhu cầu, được hưởng lợi từ việc sử dụng các trang phục truyền thống, thì ý tưởng sẽ đi vào thực tế và bền vững.
Trong văn hoá, chúng ta khó đo đếm có lãng phí hay không vì có nhiều bài học cho thấy, những thứ tưởng chừng lãng phí nhưng lại tạo ra giá trị cho văn hoá dân tộc, có thứ tưởng tiết kiệm lại huỷ hoại văn hoá dân tộc. Thời gian sẽ là thước đo tốt nhất cho mọi thử nghiệm sáng tạo.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!
Theo dantri.com.vn