Năm 2016: Nóng rẫy chuyện khách “bỗng dưng mất tiền” trong tài khoản ngân hàng
Cùng Infonet điểm lại những vụ tiền bỗng dưng bốc hơi khỏi tài khoản gây chú ý dư luận trong năm:
Vietcombank và tai tiếng 500 triệu đồng
Tháng 8/2016, nữ khách hàng của Vietcombank là chị Hoàng Thị Na Hương (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh việc liên tiếp bị trừ tiền trong tài khoản với tổng số tiền bị trừ là 500 triệu đồng. Các giao dịch diễn ra liên tiếp trong hai ngày 04 và 05 tháng 8/2016 với 7 lần giao dịch chuyển tiền đi.
Vietcombank sau đó phát đi thông báo khẳng định nguyên nhân là do khách hàng truy cập vào một trang web giả mạo qua máy điện thoại cá nhân. Việc truy cập này đã để lộ thông tin và mật khẩu của khách hàng, dẫn đến việc tiền trong tài khoản bị lấy cắp.
Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Vietcombank đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank.
Dù khẳng định lỗi không thuộc về mình, nhưng Vietcombank cũng trở thành tâm điểm "nóng" qua vụ việc trên. Sau đó, cũng trong tháng 8/2016 lại có thêm 2 khách hàng của nhà băng này tố bị mất tiền trong tài khoản một cách khó hiểu.
Sáng ngày 16/8, anh Vũ Thành Phương (quận 9, TP HCM) thức dậy và kiểm tra điện thoại, thấy có 14 tin nhắn báo về việc thẻ Vietcombank Master Card Debit của anh bị quẹt ở Tokyo, tổng số tiền anh Vũ Thành Phương bị mất trong một đêm là khoảng 17 triệu đồng.
Chị Lê Thị Quỳnh Nga (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết :"Vào lúc 16h34 ngày 19/8, di động của tôi nhận được tin nhắn từ Vietcombank thông báo thẻ Mastercard của chị sử dụng dịch vụ RSW ESERVICE SINGAPORE và bị trừ 592 đôla Singapore. Lúc đó tôi đang chạy xe và thẻ vẫn ở trong ví”.
Trong khi đó, phía Vietcombank vẫn nghi hoặc: "Có thể khách hàng đã để lộ thông tin khi giao dịch ở đâu đó".
Ảnh minh họa. |
Khách hàng mất 30 triệu, VIB đòi gần 100 triệu
Ngay sau vụ việc của khách hàng Hoàng Thị Na Hương tại Vietcombank, dư luận lại chứng kiến nổi lên vụ việc tranh chấp giữa một khách hàng với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Vụ tranh chấp kéo dài 2 năm tính từ thời điểm tài khoản thẻ visa MasterCard của khách hàng bị mất số tiền 30 triệu đồng, sau nhiều lần đàm phán không thành công, VIB tính nợ gốc và lãi số tiền lên đến hơn 88 triệu đồng, đồng thời cá nhân khách hàng bị đưa vào diện nợ xấu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), dẫn đến bị khóa mọi thẻ visa tại các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa hai bên ngày 19/08/2016, hai bên đã đi đến thỏa thuận là VIB sẽ không ghi nhận nợ đối với khách hàng cho các giao dịch trong vụ việc, đồng thời xóa lịch sử tín dụng liên quan trên hệ thống CIC.
BIDV và vụ chuyển nhượng sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng
Tháng 9/2016, bà Ngô Phương Anh (57 tuổi, tại Đà Lạt) gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của mình. Trong đơn tố cáo, bà Phương Anh cho biết sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư. Tháng 1/2016, bà Anh Thư mua lại căn nhà của bố mẹ bà Phương Anh ở Đà Lạt nhưng không trả bằng tiền mặt mà bằng sổ tiết kiệm trị giá 30 tỷ đồng (đang gửi với kỳ hạn 3 tháng). Thay vì tất toán sổ tiết kiệm lấy tiền mặt trả người bán, bà Anh Thư lại giao dịch bằng sổ tiết kiệm này qua hình thức làm thủ tục ủy quyền cho người bán nhà (bà Ngô Phương Anh) được toàn quyết rút số tiền 32 tỷ đồng khi đến hạn. Trước khi đến văn phòng công chứng làm thủ tục này và thủ tục sang tên căn nhà, hai bên đã đến ngân hàng - phòng giao dịch D2 Giảng Võ của BIDV - nơi phát hành sổ - để xác nhận số tiền trong sổ tiết kiệm là có thật.
3 tháng sau, vào ngày 20/4, hai bên mới chính thức tiến hành thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch của BIDV ở Giảng Võ. Theo lời kể của bà Phương Anh, ông Phạm Thế Long đã đưa cho bà một tờ giấy trắng và yêu cầu bà ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại ngân hàng không. 2 ngày sau bà Phương Anh đến phòng giao dịch này nhận lại sổ tiết kiệm. Cũng theo lời bà, tại đây chính ông Long đề nghị bà ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục, trong đó có 10 tờ giấy tiêu đề "Giấy nộp tiền" nhưng không có nội dung. Ngoài ra, bà nói còn có thêm 2 tờ giấy hồng có nội dung cam kết không rút tiền trước hạn.
Trong cả hai lần gặp ông Long tại ngân hàng, bà Phương Anh đều nhắc đến có sự tham gia của một nhân vật tên Chung nhưng chính bà không xác định được Chung có phải nhân viên ngân hàng không nhưng "mặc áo giống đồng phục ngân hàng". Ông Chung cũng là người thay mặt người mua nhà (bà Thư) nhận lại sổ tiết kiệm mang tên bà Bùi Thị Anh Thư sau khi thủ tục chuyển nhượng cho bà Phương Anh hoàn tất.
Tuy nhiên, hai tháng sau, bà Phương Anh nhận được tin nhắn từ ông Chung nói rằng chính ông đã cho bà Thư mượn tiền để làm sổ tiết kiệm 32 tỷ này kèm lời nhắn đã đến hạn tất toán. Do nghi ngờ, bà Phương Anh đã nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống BIDV mới biết, toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22/4 - ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.
Về sự việc này, BIDV đã lên tiếng khẳng định ngày 12/9/2016, đại diện cơ quan Công an đã có cuộc họp với BIDV chi nhánh Tây hồ. BIDV chi nhánh Tây Hồ đã nỗ lực, tích cực phối hợp với cơ quan Công an để làm rõ, nhanh chóng xác minh bản chất sự việc và giải quyết khiếu nại của bà Ngô Phương Anh.
Ngân hàng này cũng cam kết sau khi có kết luận chính xác bản chất sự việc từ cơ quan chức năng, BIDV sẽ thông báo chính thức công khai, minh bạch theo đúng qui định của pháp luật đối với công ty đại chúng.
Khách hàng Agribank bị rút mất 100 triệu đồng
Đó là trường hợp mất tiền khá hi hữu trong tài khoản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) của anh Nguyễn Thanh Huy (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Trình bày sự việc, anh Huy cho biết sáng 20/11 khi thức dậy anh thấy trong điện thoại của mình có 20 tin nhắn thông báo rút tiền từ tài khoản ngân hàng Agribank anh sử dụng. Mỗi lần rút 5 triệu đồng, tổng cộng 100 triệu đồng trong tài khoản của anh Huy đã “không cánh mà bay”.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, Agribank đã xác minh bước đầu và xác định, trong khoảng thời gian 23h51 đêm 19/11 đến 0h10 rạng sáng 20/11 tài khoản của khách hàng Nguyễn Thanh Huy có thực hiện 20 giao dịch rút tiền (với 5 triệu đồng/lần giao dịch) tại điểm ATM đặt tại số 485 đường Trần Hưng Đạo, P.Dĩ An, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Ngày 22/11 đại diện Agribank chi nhánh Gia Định, nơi anh Huy mở thẻ, đã có buổi làm việc để bàn hướng giải quyết. Bước đầu Agribank hướng dẫn khách hàng này hoàn thiện các bước khiếu nại theo quy định để ngân hàng có cơ sở thực hiện các bước tra soát khiếu nại theo quy định pháp luật.
Agribank khẳng định, ngay khi xác định nguyên nhân mất tiền không phải do khách hàng, ngân hàng này sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền tổn thất cho anh Huy trong thời gian sớm nhất.
Ngân hàng Nhà nước vào cuộc
Nhằm quy định cụ thể về trách nhiệm tra soát, thời hạn trong trường hợp xảy ra rủi ro khi sử dụng thẻ, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định rõ quá trình tiếp nhận thông tin của khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán.
Theo Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, thời hạn tra soát, khiếu nại đối với từng dịch vụ được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Đối với dịch vụ thẻ, việc tổ chức phát hành thẻ phải quy định cụ thể về thời hạn chủ thẻ được quyền đề nghị tra soát, khiếu nại (không ít hơn 60 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đề nghị tra soát, khiếu nại);
Quy định về thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại của tổ chức phát hành thẻ (tối đa không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của chủ thẻ đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp; đối với thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp thì căn cứ theo thỏa thuận cụ thể của TCPHT với khách hàng tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ);
Việc xử lý kết quả tra soát khiếu nại đối với các trường hợp thông thường: Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho khách hàng, TCPHT thực hiện bồi hoàn cho chủ thẻ theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của chủ thẻ và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng thỏa thuận tại hợp đồng;
Trường hợp tổn thất phát sinh do lỗi của các bên liên quan, bên có lỗi thực hiện bồi hoàn cho TCPHT theo thỏa thuận giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật; Trong trường hợp hết thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại theo thỏa thuận tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, TCPHT thỏa thuận với chủ thẻ về phương án xử lý hoặc tạm thời bồi hoàn tổn thất cho chủ thẻ cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền phân định rõ lỗi và trách nhiệm của các bên.
NHNN cũng hướng dẫn việc xử lý kết quả tra soát khiếu nại đối với các trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm: Việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp xác định không có yếu tố tội phạm, TCPHT thỏa thuận với chủ thẻ về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại trong vòng 15 ngày làm việc...