Mưu sinh cuối năm
Chắt chiu sắm tết
Bà Hoàng Thị Liệu (quê ở thị xã Hương Thủy), làm nghề thu mua phế liệu ngót nghét gần chục năm nay. Bà Liệu thổ lộ: “Làm ruộng thì không đủ ăn, làm những nghề khác thì không vốn liếng, tay nghề, tui quyết định đi buôn ve chai những lúc nông nhàn”.
Tết cận kề, bước chân của bà càng gấp gáp hơn. Theo phong tục “Tống cựu nghênh tân”, đây là thời điểm mọi người dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ những món đồ cũ để mua sắm thêm đồ mới nên “hàng hóa” của cánh đồng nát cũng nhiều hơn. Mới đầu buổi sáng mà hàng của bà Liệu đã đầy ắp. Bà Liệu kể: “Bình thường, hôm nào may mắn tôi kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, ngày ít chỉ được vài chục ngàn. Thời điểm giáp tết, mỗi ngày tôi có thể kiếm được 200 ngàn đồng. Hôm nào gặp nhiều người cho đồ chứ không bán thì thu nhập khá hơn nên cánh ve chai chúng tôi ai nấy đều tranh thủ đi từ sáng sớm đến tối mịt để kiếm thêm tiền lo tết”.
Chị Mỹ rong ruổi khắp phố phường bán hoa giấy |
Trong một căn nhà ở đường Đào Tấn (TP Huế), chị Phạm Thị Huệ (quê ở huyện Phú Lộc) đang hối hả dọn dẹp nhà thuê. Sau một buổi sáng, căn nhà đã được dọn dẹp sáng sủa, ngăn nắp. Nhưng, khắp người chị Huệ toàn bụi.
Chị Huệ vốn là công nhân làm vệ sinh ở các công trình xây dựng. Giáp tết, nhiều người bận rộn, không có thời gian dọn dẹp nhà cửa nên nhu cầu thuê người dọn nhà đón tết tăng cao. Tranh thủ cơ hội này, chị nhận làm thêm. Cứ nhà này giới thiệu nhà kia nên chị làm không hết việc, có hôm làm đến tận 10 giờ đêm mới về. Mệt rã người nhưng bù lại, mỗi ngày chị kiếm được khoảng 200-300 nghìn đồng, có khi còn được thưởng thêm.
Từ mùng 10 tháng Chạp, ngày nào bà Mỹ (thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu) cũng rong ruổi khắp các chợ ở TP Huế với chiếc xe đạp chất đầy hoa giấy. Bà Mỹ kể, năm nào cũng vậy, cứ 3 tháng trước tết, cả nhà bà bắt tay vào làm hoa giấy. Công việc đòi hỏi tỉ mỉ nên rất vất vả nhưng đổi lại, thu nhập từ nghề làm hoa giấy giúp gia đình bà đủ tiền ăn tết. Mỗi ngày, bán từ sáng đến tối, bà Mỹ cũng kiếm được 300-400 nghìn đồng.
Giáp Tết, cánh xích lô tất bật kiếm thêm thu nhập |
Chuyên buôn rau nhưng giáp tết, rau ế, chị Lê Thị Diệp (xóm Hành, TP Huế) chuyển sang bán ông táo. Với chiếc mẹt trên tay, chị ngồi ở góc chợ Bến Ngự. Chị tâm sự, mặt hàng này chỉ bán đến 23 tháng Chạp nên số tiền kiếm được chẳng đáng là bao nhưng rau đang ế, ông táo là “cứu cánh” để chị chắt chiu thêm.
Quần áo mới cho con
Chị Huệ nhẩm tính, nếu làm đến tết, sẽ kiếm thêm được 4 – 5 triệu đồng. Số tiền đó chắt bóp cũng đủ để chị mua bánh trái, thực phẩm tết cho gia đình và quần áo mới cho con. Chị chia sẻ: “Những ngày giáp tết, tui làm không hết việc nên tiền kiếm được kha khá. Trong 10 ngày, số tiền tui kiếm được còn hơn cả tháng trước đây. Vất vả lắm nhưng tôi làm mẹ đơn thân nên phải cố gắng để con có cái tết ấm cúng”.
Chỉ vào chiếc áo ấm mới mua đặt gọn gàng trong thúng, chị Diệp kể: “Trời lạnh, thấy chiếc áo của con đã cũ sờn nhưng kẹt quá đành làm ngơ. Giờ kiếm được tiền mua áo mới, chắc tối nay về cu cậu sẽ nhảy cẫng lên vì vui mừng. Thế nên, thà vất vả một chút nhưng mua được bánh kẹo và quần áo mới cho các con, còn hơn nghỉ sớm mà cả nhà không có tiền để sắm quà tết”.
Giáp tết, cuộc mưu sinh của những người như bà Liễu, chị Huệ, chị Diệp trên các nẻo đường càng hối hả. Họ đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để có một cái tết tươm tất hơn.
Bài, ảnh: Minh Hiền/Báo Thừa Thiên Huế