Muôn vẻ chuyện thù lao sếp lớn ngân hàng
Trong số các ngân hàng hiện nay, LienVietPostBank là ngân hàng “chịu chơi” nhất khi Đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, HĐQT đã trình cổ đông thông qua tờ trình về thù lao cho Hội đồng quản trị năm 2017 là 40 tỷ đồng. Hiện tại, HĐQT của ngân hàng ngày chỉ có 8 thành viên. Như vậy, bình quân mỗi thành viên sẽ nhận 5 tỷ đồng thù lao.
Lãnh đạo nhận thù lao cao, song cổ đông của LienVietPostBank cũng chỉ nhận được mức cổ tức năm 2016 là 10%, trong đó 4% chi trả bằng tiền mặt và 6% chi trả bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả này dù sao cũng cao hơn 2% so với tỷ lệ đã được ĐHĐCĐ thông qua vào đầu năm 2016.
Một số ngân hàng không đưa ra con số cố định, thay vào đó là một tỷ lệ so với lợi nhuận của năm. Vietcombank là một ví dụ. Tại nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2017 ngân hàng Vietcombank, ĐHCĐ đã phê duyệt mức thù lao đối với HĐQT và BKS năm 2017 là 0,35% lợi nhuận sau thuế.
Năm 2016, Vietcombank cũng trả thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS theo đúng tỷ lệ trên. Theo đó, tổng mức thù lao cho HĐQT và BKS năm 2016 là 23,979 tỷ đồng. Với 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên BKS, bình quân mỗi thành viên đã nhận mức thù lao 2,17 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của BIDV, các cổ đông đã biểu quyết thông qua mức thù lao của các thành viên ban lãnh đạo BIDV năm 2017 là 0,44% lợi nhuận sau thuế. Mức thù lao này tương đương với tỷ lệ năm 2016. Năm 2016, BIDV đạt lợi nhuận sau thuế hơn 6.229 tỷ đồng. Mức thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát ngân hàng (gồm 13 người) nhận trong năm 2016 là 27,4 tỷ đồng.
Trong báo cáo về thù lao năm 2016 và đề xuất mức thù lao năm 2017 của Ngân hàng An Bình, (ABBank), ngân sách thù lao HĐQT và BKS năm 2016 là 10 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế con số này đã phát sinh lên đến 10,455 tỷ đồng do các thành viên HĐQT được trả thù lao kiêm nhiệm. kiêm nhiệm.
“Rút kinh nghiệm” từ việc vượt chi năm 2016, ABBank đã đề nghị ĐHCĐ chấp thuận mức thù lao cho các thành viên HĐQT, BKS trong năm 2017 lên đến 15 tỷ đồng. Ngoài ra, trong trường hợp lợi nhuận trước thuế 2017 vượt chỉ tiêu do ĐHCĐ đề ra, HĐQT và BKS của ngân hàng còn được thưởng 5% số lợi nhuận vượt kế hoạch.
ABBank đang có 7 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS, ngay cả không vượt kế hoạch lợi nhuận, bình quân mỗi thành viên cũng sẽ đút túi 1,5 tỷ đồng trong năm 2017.
Câu chuyện thù lao gây chú ý và cũng tai tiếng nhất là ở Eximbank. Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 vừa diễn ra đã phải thông qua nội dung thu hồi số tiền thù lao chi vượt là 51,885 tỷ đồng cho HĐQT giai đoạn 2013-2015. Theo điều lệ của Eximbank, thù lao cho thành viên HĐQT tối đa được quy định bằng 1,5% lợi nhuận sau thuế, tương đương 11,32 tỷ đồng trong giai đoạn nói trên. Tuy nhiên thù lao thực tế Exibank đã chi cho HĐQT là 93,88 tỷ đồng, bằng 9,03% tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2013-2015. Như vậy số tiền thu lao vượt chi là 82,56 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HĐQT hiện hành cũng yêu cầu cổ đông thông qua mức thu lao tối thiểu cho HĐQT và BKS là 14 tỷ đồng/năm cho giai đoạn 2013-2015, tương đương 42 tỷ đồng cho 3 năm. Theo đó, tổng tiền vượt chi phải thu hồi từ HĐQT và BKS cũ là 51,88 tỷ đồng. Tuy nhiên câu hỏi liệu lãnh đạo cũ có thể nộp lại số tiền thù lao vượt chi và EIB sẽ làm gì nếu điều này không xảy ra vẫn chưa có lời giải.
Về chi phí và thu lao của HĐQT, BKS trong nhiệm kỳ mới, các cổ đông Eximbank cho rằng trong khi ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả, chưa có lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông, thì mức thù lao cho HĐQT mỗi năm 1% lợi nhuận trước thuế là hợp lý. Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua tờ trình về tổng mức thù lao HĐQT năm 2016 bao gồm 9 thành viên là 10 tỷ đồng. Mức thù lao cho HĐQT năm 2017 được phê duyệt là 2% lợi nhuận trước thuế nhưng không thấp hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra, các thành viên HĐQT còn được cấp ngân sách hoạt động cho năm 2017 là 5,5 tỷ đồng, bao gồm chi phí đi công tác, tiếp khách, cước điện thoại, chi phí mua bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm trách nhiệm.
Theo ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank, các chi phí cho HĐQT gồm nhiều khoản khác nhau. Chi phí hoạt động của HĐQT Eximbank trong năm 2016 là 3,8 tỷ đồng. Đối với ý kiến về chi phí của BKS, ông Trần Lê Quyết, Trưởng BKS trả lời các cổ đông: Trong năm 2016 Eximbank chỉ chi 555 triệu đồng, tương đương 92% kinh phí dự trù cho BKS.