Muốn giảm ùn tắc phải hạn chế ô tô
Muốn giảm ùn tắc phải hạn chế ô tô
Chủ trương hạn chế tiến tới cấm xe máy tại các thành phố lớn nhằm mục đích giảm ách tắc và tai nạn giao thông. Theo ông liệu giải pháp này có thực sự khả thi trong bối cảnh hiện nay?
Giảm ách tắc và tai nạn giao thông tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM là mục tiêu cấp bách, luôn được chú trọng. Nhưng nếu áp dụng giải pháp cấm xe máy để đạt được mục đích trên thì rất khó khả thi, bởi không phải xe máy, mà chính ô tô mới là nguyên nhân chính gây tai nạn, ùn tắc.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng |
Thưa ông, trong khoảng 10 năm nay, số người tử vong vì ô tô thường gấp 5 lần so với xe máy. Vậy theo ông loại hình xe máy hay ô tô là đối tượng chính gây tai nạn và ùn tắc?
Tại Hà Nội hiện đang có gần 4 triệu xe máy và gần 380 nghìn ô tô. Nhìn vào con số đó chúng ta dễ dàng nhận thấy lượng ô tô quá nhỏ (chỉ bằng 1/10) so với xe máy. Thế nhưng ô tô lại đang chiếm diện tích mặt đường trên 50% và còn nhiều hơn nữa vào những giờ cao điểm. Theo tôi, muốn giảm ùn tắc, tai nạn tại các thành phố lớn thì phải cấm ô tô chứ không phải xe máy.
Tôi cho rằng, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, việc cần làm trước tiên là kiểm soát, quản lý và hạn chế sử dụng ôtô cá nhân để xem kết quả như thế nào. Thực tế ở một số thành phố lớn trên thế giới như London, Singapore, Stockholm… đã và đang kiểm soát sử dụng ôtô cá nhân. Họ đã bắt đầu chuyển từ đi xe hơi sang xe máy, xe đạp, đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng ngày càng nhiều. Vì thế chẳng cớ gì mà Hà Nội và TP. HCM lại không làm được.
Nếu giải pháp cấm xe máy được thực hiện, khi đó người dân sẽ chủ yếu di chuyển bằng loại hình gì?
Theo dự kiến trong khoảng 10 năm nữa sẽ có khoảng 20% sử dụng xe buýt, 5% sử dụng tàu điện, 75% còn lại sẽ sử dụng phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy, xe đạp. Nếu cấm xe máy, số lượng người lựa chọn loại hình xe đạp sẽ rất ít và chủ yếu sẽ sử dụng ô tô con. Lượng ô tô kèm theo khí thải CO2 tăng đột biến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề môi trường. Mặt khác chúng ta sẽ phải đối mặt với một sức ép rất lớn khi lượng ô tô giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Ô tô chính là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông |
Theo ông đâu là giải pháp tối ưu để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông vào thời điểm này?
Theo tôi phải áp dụng phương pháp thị trường mới mong đạt kết quả. Nếu ví diện tích đường là cung thì các phương tiện đi lại coi như cầu. Vì thế chúng ta hãy để cho quy luật cung cầu tự giải quyết. Qua đó, việc đi lại vào giờ cao điểm sẽ phải mất chi phí nhiều hơn so với giờ thấp điểm. Chúng ta đều biết dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, người dân phải trả tới 50 nghìn mỗi lần gửi xe máy, vì lượng xe quá nhiều.
Bên cạnh đó, chủ phương tiện càng sử dụng diện tích mặt đường nhiều càng phải trả phí cao. Theo phép tính thông thường, người đi xe buýt sử dụng diện tích đường 3 m2, xe máy 6 m2 và ô tô là 10m2. Tùy theo tình hình thực tế, chúng ta lấy loại vận chuyển bằng xe buýt, hoặc xe máy làm chuẩn để thu tiền phần sử dụng diện tích nhiều hơn của ô tô. Ngoài ra việc dừng đỗ xe cũng phải mất tiền. Tất nhiên nếu đỗ xe ở phố cổ thì sẽ phải thu mức phí cao nhất, vì chúng ta đều biết lượng người và xe tại đây thường rất lớn. Nếu làm như vậy các chủ phương tiện sẽ phải cân nhắc trong việc đi lại.
Nhiều ý kiến cho rằng xe buýt công cộng sẽ là loại hình vận chuyển chủ yếu trong tương lai. Loại hình phương tiện này sẽ góp phần giảm ùn tắc gia thông, ông có đồng ý với nhận định trên?
Cá nhân tôi cũng thường xuyên đi làm bằng loại hình xe buýt và thấy nó rất thuận lợi, an toàn. Tất nhiên để loại hình xe buýt trở thành một phương tiện di chuyển phổ biến, được người dân tin tưởng sử dụng thì phải phân làn cho xe buýt, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ..., qua đó thay thế các phương tiện xe thô sơ, giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay...
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng (Thực hiện)