Mùi hôi kênh Ba Bò: Người dân TP.HCM lĩnh đủ hậu quả từ Bình Dương
Kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm nặng. Ảnh: Trường Sơn. |
Con kênh hứng 3 nguồn thải lớn của Bình Dương
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra vào ngày 5/7, tình trạng ô nhiễm trầm trọng và dự án xử lý môi trường tại kênh Ba Bò (đoạn chảy qua phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) tiếp tục được các đại biểu chất vấn.
Trả lời sau đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng đã đưa ra những giải thích cho tình trạng này.
Ông Thắng cho biết con kênh này thoát nước cho khoảng 1.600ha, trong đó 1.400ha thuộc Bình Dương, phần còn lại thuộc TP.HCM.
“Thực chất con kênh tiếp nhận 3 nguồn thải lớn của tỉnh Bình Dương. Thứ nhất là Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2, thứ hai là các doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp (khoảng 36 cơ sở) và thứ ba là 6 cụm dân cư” – ông Thắng cho hay.
Ông Giám đốc Sở thừa nhận rằng những phản ánh của các đại biểu và người dân là hoàn toàn đúng, mà lý do là vì có nước thải của 6 cụm dân cư, bởi những nơi này hoàn toàn không có hệ thống xử lý mà xả thẳng ra kênh.
Để giải quyết tình trạng này, ông Thắng cho rằng hai địa phương cần phối hợp để kiểm soát chặt chẽ hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, vì có thể các công ty có hệ thống nhưng không vận hành. Đồng thời phải xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải cho 6 khu dân cư.
Theo ông Thắng, trên thực tế từ năm 2008, TP.HCM đã đề nghị 2 khu công nghiệp nói trên lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 18.000m3/ngày đêm.
Đặc biệt gần đây Bình Dương đã đầu tư dự án Nam Bình Dương (3.000 tỷ đồng) để thực hiện thu gom toàn bộ nước thải của 6 khu và xử lý trước khi thải ra kênh Ba Bò. Dự kiến cuối năm nay công trình sẽ hoàn thành.
Về phía TP.HCM cũng đã thực hiện dự án xử lý ô nhiễm hơn 1.000 tỷ, trong đó có hạng mục hồ sinh học và các công trình phụ trợ khác.
“Hiện nay những dự án đó chưa hoàn thành nên vẫn còn mùi hôi” – ông Nguyễn Toàn Thắng nói và nhìn nhận: “Sở hiểu rằng trách nhiệm của mình là phải phối hợp với Bình Dương hơn nữa”.
Sau khi nghe ông Thắng trả lời, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đặt ngay câu hỏi: “Vậy mình có cam kết với người dân là cuối năm nay sẽ xử lý xong ô nhiễm và mùi hôi của kênh không?”
Không trả lời trực tiếp, ông Thắng nói: “Báo cáo, tinh thần là quyết liệt và chủ đầu tư cũng cố gắng hết sức”.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng. |
Hồ sinh học sẽ hỏng ngay nếu hứng nước thải công nghiệp
Trả lời thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Công – Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP (chủ đầu tư dự án phía TP.HCM) cho rằng, về tổng thể TPHCM chịu trách nhiệm xử lý nước thải, còn Bình Dương thực hiện dự án thu gom.
Tuy vậy ông không rõ Bình Dương đã xây xong các dự án liên quan chưa.
Về tình trạng ô nhiễm, ông Công đặt câu hỏi rằng liệu các doanh nghiệp có xả lén hay không vì khi đi kiểm tra vào ban ngày ông thấy nước không có mùi hôi, còn ban đêm thì ngược lại.
Cũng theo ông, do hồ sinh học (khoảng 24ha) vận hành bằng cách nuôi vi khuẩn và sục khí để xử lý ô nhiễm, nên nếu nước thải công nghiệp chảy vào sẽ làm hư hỏng. Để đảm bảo an toàn hiện hồ đang phải cách ly bằng 1 con đập.
Nghe được thông tin này bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tỏ ra rất lo lắng.
“Về lâu dài làm sao chúng ta có thể quản lý được nguồn nước thải từ Bình Dương? Chúng ta phải có cơ chế giám sát chặt chẽ vấn đề này. Nếu không chúng ta sẽ không thể vận hành tốt hệ thống xử lý vì ý thức xả thải còn rất kém” – bà Tâm nói.
Khi nghe các ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, để kiểm soát nguồn thải vào hồ sinh học chính quyền TP sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Bình Dương trên cơ sở những cam kết trước đây.