Mùa rươi nghe chuyện chủ đầm
Tiếp tôi trong căn chòi nằm rệ bên mép nước, ông Bình mặc nguyên chiếc quần đùi, chân vẫn bết phù sa, vẻ mặt u trầm xem ra quá già so với tuổi 50…
Vất vả vì giống… “của Giời”
Nghe nói có nhà báo về tìm nhưng ông Bình vẫn cố gom mấy đụn lúa vừa cắt xong bó lại thành bè, gò lưng kéo vào bờ. Quăng xong đống lúa lên vệ đê, ông Bình để nguyên bộ dạng, lững thững về chòi, khi chủ khách an vị, nghe gợi chuyện về rươi, ông mới bắt đầu cởi mở. “Bận mấy đám lúa, cố gặt cho xong để đón rươi đây!” - ông Bình vừa rót nước mời khách vừa bắt chuyện. Tôi cũng rào đón: “Anh chị cấy được nhiều không?”/ “Được gần mẫu, nhưng lúa ngoài bãi này có phải của nhà mình đâu, đi gặt không công cho người ta đấy chứ”/ “Sao lại thế?”/ “Thì thế mới khổ, tại cái giống rươi cả…!”.
Thì ra mang tiếng đồng rộng nhưng chủ thầu như ông Bình chỉ được khai thác mặt nước, còn lại phần đất là của dân cấy lúa. Đã bắt đầu con nước nổi, vậy mà khu đồng của ông Bình vẫn còn gần 3 mẫu lúa chín rũ chưa gặt hết. Trước đó, vợ chồng ông đã phải đến từng nhà thúc giục nhưng ai cũng kêu neo người, nhà thì con bận đi học, nhà thì cả vợ lẫn chồng đều làm công nhân, chưa bố trí được.
Cực chẳng đã, ông nén bụng bỏ ra 150 nghìn/công, thuê được 5 người, rồi cả nhà ông nữa vừa dâu vừa rể kéo nhau xuống đồng gặt hộ lúa cho thiên hạ. Ông Bình than thở: “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm, qua gần cả hai tháng 9 rồi mà chẳng thấy rươi đâu… Theo kinh nghiệm, thì chỉ khi nào lúa được gặt hết, giống rươi mới chịu rẽ đất chui lên”.
Đi vớt rươi |
Trót trao thân cho nghề “bọt nước”
Gọi là đầm nhưng vùng bãi bồi sông Văn Úc của huyện Kiến Thụy đã được liệt thành đất nông nghiệp, giao cho dân cấy một vụ. Cả huyện có 4 xã ven sông, khoảng 50 vùng bãi đã được khoanh thầu. Mà muốn tận thu, lẽ ra chủ đầm phải thuộc từng con nước để “điều” thủy sản từ sông vào mới dễ kiếm. Nhưng đã là đất nông nghiệp, việc nước cũng buộc phải theo lịch của bên quản thủy nông, chủ đầm không tự ý được tháo. Một phần vì thế, một phần vì bây giờ nông dân dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu nhiều quá, tôm cá cũng dần cạn giống. Vụ năm nay, đầm ông Bình chỉ kiếm được vài tạ tôm rảo, vừa bé vừa mất giá, tất cả còn lại trông chờ vào rươi, loại quái sản mà ông gọi là “lộc của Giời”.
Đang buồn, vẻ mặt ông Bình chợt rạng một nụ cười khi nhắc lại niềm vui cũ: “Năm ngoái rươi đầm tôi có rền 4 tháng, được gần 3 tấn…”. Trừ đi mọi khoản chi phí, tổng cộng gia đình ông Bình vẫn bỏ két được 700 triệu đồng. Nhà nông kiếm một vụ rươi như thế, thảo nào cái nghề mà ông Bình gọi là “ăn bọt nước”, bây giờ người ta tranh cướp nhau làm cũng đáng.
Ông Bình kể, nhà ông mấy đời gắn bó với nghề nên không có đầm làm thì cứ như người mất hồn. Trước kia, một mình ông thầu khu đồng rộng hơn 400 mẫu mà chỉ có 120 triệu đồng/năm. Sau đó đến hạn bỏ thầu lại, nhiều người chẳng biết gì về nghề cũng lao vào tranh thầu. Cán bộ xã mới chia thành 3 thửa, mỗi thửa chỉ còn hơn trăm mẫu, thế mà khi chốt giá, thửa thấp nhất cũng lên tới 350 triệu đồng/năm.
Ông Bình trượt thầu, được người trúng thầu là người nhà chủ tịch xã nhượng lại, ngậm ngùi bỏ thêm 180 triệu/năm, thành thử là 550 triệu đồng/năm để có được một thửa. “Chỉ cần bọn nó trúng thầu là ăn không bạc tỷ, mình làm bửa mặt mà chỉ lo thất thu…” - ông Bình nhếch mép nheo nhúm, nói trong cay đắng.
Ông Bình vừa nói vừa chỉ tay ra đầm: “Thầu đồng nước lợ, trông hết vào tự nhiên, năm nay nếu không có rươi nữa thì coi như mất cái nhà chú ạ!”. Vì ông cho biết, tôm rảo bán rẻ cũng được 150 nghìn đồng/kg thì đã mất mùa, còn cá tạp chỉ khoảng 20 nghìn đồng/kg nên sản lượng lớn cũng không đáng kể. Chỉ có điều, giống rươi như ma, chẳng biết chúng ở đâu mà lần. Có khi ngắm trời ngắm nước đoán chắc rươi lên, nhưng cứ lóc cóc đầu con nước kéo đăng ra, cuối con nước lại thu vào, thắc thỏm, buồn bực mãi chẳng thấy đâu, rồi đùng một cái nó nhao lên không kịp trở tay.
Chủ đầm rươi mua rươi về đãi khách
Đang ngồi say chuyện, chợt có tiếng chân chống xe lạch cạch, một người đàn ông trông cũng lam lũ không kém gì ông Bình bước vào: “Đêm có được cân nào không?”. Ông Bình hớn hở: “Chầu chực cả đêm mới được gần tạ!”. Ông kia trợn mắt hỏi lại: “Thật à?”. Ông Bình với tay mở chiếc thùng xốp trong góc chòi: “Còn để lại mấy cân ăn đây, tí nữa ở đây uống rượu…”. Thấy vậy, sắc mặt ông kia có vẻ biến đổi, chẳng kịp ngồi xuống mà chỉ nói mấy câu qua quýt rồi phóng xe đi ngay. Ông Bình quay sang tôi cười hể hả: “Thằng này ở đầm dưới, nó đi thăm dò đấy, nếu đầm mình báo có rươi rồi là đêm nay nó xả nước…”.
Theo ông Bình, vùng cửa sông Tiên Lãng, Vĩnh Bảo nông hơn nên năm nào rươi cũng lên trước, Kiến Thụy có rươi sau nên giá luôn phải lệ thuộc. Năm ngoái, rươi đầu vụ gần một triệu đồng/kg, nhưng chỉ qua một con nước đã giảm mất nửa già. Ông Bình ngẩn ngơ: “Mẻ đầu đổ được 350 nghìn đồng, ai dè Tiên Lãng nó bán 300 nghìn đồng, mình đành đổ giá 280 nghìn, mỗi tạ rươi mất toi hai chỉ vàng …”.
Nói rồi ông Bình ghé tai thì thầm: “Bọn buôn nó quái lắm, mua 5kg rươi dóc nước ở đầm, nó đổ thêm 2 lít nước, chỉ một tiếng sau rươi nhả dớt ra lại đặc quánh…”. Thảo nào, có lúc rươi ngoài phố và trong đầm ngang giá nhau, hóa ra người buôn “ăn nước dãi rươi” là chính.
Thấy tôi nhìn thùng rươi vẻ lăn tăn, ông Bình lại ghé tai: “Tôi bảo vợ mua ngoài phố về đấy, hai cân 800 nghìn đồng, mua về lừa chúng nó…”. “Chúng nó” ở đây là ông Bình ám chỉ các chủ đầm khác, vì mỗi con nước đầm nào rươi đã lên nhiều, ngày khác nếu có chỉ lác đác nên các chủ đầm phải thăm dò nhau. Mấy ngày nay ông Bình cầm nước, thỉnh thoảng mới giả bộ mở cống, đêm vừa rồi ông còn cho vây lưới và cử người gác chặt, lại ra vào lục sục, làm như có rươi thật. Rồi “tương kế tựu kế”, bắt vợ ra phố mua “rươi mồi”. Ông nói chắc nịch: “Mấy chục năm nay, đầm mình bao giờ cũng có rươi sớm, nó tưởng mình có rồi là nó làm giá cao với bọn lái, đêm nay nó cũng xả, mình cũng xả, có rươi là bọn lái nó nhao lên chỗ mình cho mà xem, mượn tay bọn nó làm giá!”.
Nói chuyện đến đây, ông Bình nhìn lên vách chòi nhìn đồng hồ rồi cười tươi: “Nói thế thôi, Giời cho ai người đó được ăn, khôn ngoan chẳng lại…”. Thấy tôi định đứng dậy chào về, ông Bình vội giữ: “Chú phải ở lại, tiện có mấy cân rươi làm chả uống rượu…”. Tôi từ chối, ông Bình nhất định không nghe: “Các cụ dạy rồi, mùa rươi đến là người có tuổi đau dần ra, ăn rươi vào khỏi hết, chú nghe tôi, rươi đầu vụ không ăn là thiệt…”.
Đò đưa một lúc, tôi quyết định ở lại, vì chả mấy khi được uống rượu với rươi của ông chủ “đầm rươi” mua về chiêu đãi!
Theo Lê Minh Thắng/ ANHP.VN