Mưa lũ ở Tây Bắc: 4 người chết và mất tích, 4 người bị thương
Trong 5 tỉnh khu vực Tây Bắc, Điện Biên là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người, với 2 cháu bé 3 tuổi và 8 tuổi ở huyện Điện Biên Đông bị nước lũ cuốn trôi.
Lũ quét ở miền núi phía Bắc làm 3 người chết, 1 người mất tích. |
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, hiện tượng mưa vừa, mưa to vẫn còn tiếp tục kéo dài đến ngày mai, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có khả năng xảy ra ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Tuần Giáo và các vùng lân cận.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ, sạt lở đất trên phạm vi toàn tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi sát diễn biến phức tạp của thời tiết để kịp thời ứng phó; đặc biệt, các đơn vị quản lý hồ chứa thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước, hiện trạng công trình và có phương án phòng chống lũ lụt ở vùng hạ du.
Ông Nguyễn Văn Định, Phó chánh văn phòng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ là phải thành lập các tổ trực trực tiếp trên các hồ, kiểm tra thường xuyên 24/24 giờ mức độ an toàn đối với công trình. Đồng thời thực hiện quan trắc liên tục trong 24 giờ”.
“Khi có tình huống mưa lớn, mưa kéo dài thì tăng tần suất quan trắc lên và khi mực nước hồ ở mức nước cao thì luôn phải thường trực để kịp thời khắc phục sự cố và báo cáo với cấp trên để có ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Nguyễn Văn Định nói.
Tại tỉnh Lào Cai, mưa lũ cũng đã khiến 1 người chết, 1 người mất tích do lũ cuốn và 1 người bị thương do sạt lở đất. Tại Yên Bái, có 3 người là ông Nguyễn Văn Trường, ông Hoàng Văn Dũng và chị Hoàng Thị Hương, cùng trú tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn bị thương.
Mưa to kèm gió lốc cũng khiến 8 ngôi nhà tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu bị hư hỏng, trong đó có 1 nhà ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu bị sập đổ hoàn toàn. Nhiều diện tích hoa mùa bị ngập úng.
Ngay sau khi có báo cáo về thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đã cùng với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn các địa phương bị ảnh hưởng triển khai các biện ứng cứu, khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết: “Hiện tại, người bị thương đã được đưa đi bệnh viện, còn nhà bị sập thì chính quyền địa phương đang dựng nhà tạm cho bà con ở. Chính quyền cũng đã hỗ trợ những người bị thiệt hại theo quy định, cụ thể người bị thương được hỗ trợ 1,5 triệu/ người; nhà sập được hỗ trợ 6 triệu/một nhà”.
Tại Sơn La, mưa liên tục trong 2 ngày qua đã khiến mực nước trên các sông, suối dâng cao; Suối Nậm Pàn - huyện Mai Sơn và suối Tấc - huyện Phù Yên, lũ báo động cấp 3.
Theo thống kê, mưa lũ đã làm sạt lở và ngập úng 21 nhà tại các huyện Thuận Châu, Vân Hồ. Hiện nay, các địa phương đã tổ chức di dời 10 nhà bị sạt lở và ngập úng ở huyện Vân Hồ đến nơi ở an toàn. Mưa lớn còn làm ngập hơn 200 hecta lúa ở các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Vân Hồ và thành phố Sơn La. Nhiều tuyến Quốc lộ như 4G, quốc lộ 6, tỉnh lộ 101 và 102 bị sạt lở gây ắch tắc.
Đặc biệt, quốc lộ 6 đoạn qua địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bị sạt lở khoảng 5.000 m3 đất đá. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý đường bộ đã kịp thời huy động máy móc thông xe tạm thời; hiện chỉ còn tuyến tỉnh lộ 102 từ huyện Vân Hồ đi xã Chiềng Sơn vẫn tắc đường do khối lượng đất đá sạt lở lớn.
Ông Cầm Bun Păn, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Sơn La cho biết: “Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh đã kịp thời thông báo diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh cho các địa phương chủ động phòng tránh ứng phó. Các nhà bị ngập và sạt lở thì đã được chính quyền địa phương giúp đỡ di chuyển nhà cửa. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến thiên tai và cấp nhật thông tin để báo cáo”.
Theo dự báo, mưa lớn sẽ còn xảy ra trong đêm nay và kéo dài đến hết ngày mai, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Bắc vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong khu vực đang tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
* Vùng áp thấp mới đã hình thành trên Biển Đông
Vùng áp thấp mới đã hình thành trên biển Đông và đang di chuyển về phía khu vực vịnh Bắc Bộ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm nay (15/8), một vùng áp thấp đã hình thành trên khu vực Bắc Biển Đông và có xu hướng di chuyển về phía khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ.
Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.
Dự báo ngày và đêm nay, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao từ 2-4m. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 1.
Theo VOV