Mùa hành nơi gió cát
Những ngày giáp tết, ai từng ra Tuy Phong mùa này hẳn sẽ bắt gặp những thửa ruộng hành xanh bạt ngàn, thoai thoải. Không biết từ bao giờ, vị cay nồng của hành củ đỏ đã gắn bó với những thăng trầm của người dân vùng nắng gió Tuy Phong. Tháng chạp… cây hành nở hoa.
Ông Đặng Việt Thành bên những thửa hành bán sớm |
Mùa hành trổ bông
Men theo con đường cấp phối dẫn chúng tôi đến xóm 1C – thôn Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong). Tuy Phong mùa này chìm trong cơn khô hạn. Cánh đồng hành của ông Đặng Việt Thành hiện vẫn xanh, bất chấp cái nắng rát của buổi trưa tháng chạp. Người đàn ông da sạm đen, gầy guộc bởi những năm tháng bám mặt với những cánh đồng, những thửa hành, rẫy bắp… Bước vào tuổi 60, nhưng có lẽ sức lao động của ông Thành dường như chưa dừng lại. Ông có 6 sào hành vừa được thương lái vào tận nơi thu mua, với giá 13.000 đồng/kg. Khoảng 11 tấn hành của ông Thành tuy năm nay thiếu nước, nhưng do ông bán vội vã, nên giá chưa cao. “Năm nay bán chỉ được một nửa năm ngoái nhưng cũng lãi 90 triệu đồng” – ông Thành nói. Chỉ vài ngày sau không bán, giá hành lên ngót 20.000 đồng/kg, ông Thành tiếc rẻ. Thương lái thấy ông thiệt nhiều nên “ủng hộ” thêm cho ông 10 triệu đồng ăn tết. Cũng mùa hành năm ngoái, ông Thành thu vào hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí ông bỏ túi khoảng 250 triệu đồng.
Chút ưu tư của người nông dân trồng hành như ông Hóa luôn thường trực |
Người dân Vĩnh Hảo trồng hành mỗi năm 2 vụ, từ lúc trồng đến khi thu hoạch ngót 2 tháng, nhưng thường mùa vụ gần tết hành sẽ cho năng suất cao hơn nếu đủ nước. Kinh nghiệm của ông Thành và nhiều người dân trồng hành cho biết: Chỉ cần lượng nước đạt khoảng 70% thì cây hành sẽ đạt năng suất. Ông Thành dẫn chúng tôi tới những thửa hành đang chờ thương lái đến thu hoạch, ông nhổ vài bụi như để minh chứng cho kinh nghiệm bao nhiêu năm gắn bó với cây hành, để có tiền nuôi các con ăn học.
Khi nào bớt lo?
Xã Vĩnh Hảo có hai thôn Vĩnh Sơn và Vĩnh Hải, 20% dân số ở đó sống bằng nghề trồng hành. Hết mùa hành người ta luân canh sang những cây trồng ngắn ngày khác như giải pháp để cải tạo đất… Nhiều nông dân còn đầu tư cây trôm bền vững cho kinh tế gia đình.
Hộ chị Đặng Thị Thủy và anh Phạm Ngọc Xuân lâu nay cũng sống nhờ vào cây hành. Ngoài 30 tuổi, chị Thủy rất hoạt bát theo kiểu người nông dân: “Năm nay trồng 2 vụ, mỗi vụ 5 sào. Mỗi vụ cũng hơn 5 tấn, tuy không lỗ nhưng không được giá như năm rồi”. Theo lời chị Thủy, vụ đầu chị bán được giá 17.000 đồng/kg, nhưng vụ này do sợ thiếu nước ảnh hưởng đến cây hành nên chị bán sớm hơn, với giá 15.000 đồng/kg. Điều khác đối với người dân trồng hành chính là vào mùa nam chi phí đầu tư giống và phân nhiều hơn vụ thứ hai - mùa bấc. “Mùa bấc không cần phải bón phân, có lẽ thổ nhưỡng phù hợp vùng này cho cây hành là vậy” – chị Thủy cười, trong ánh chiều sập tối. Trong nụ cười ấy có niềm vui, sự vất vả để chắt chiu thành quả lao động.
Cũng giống như ông Thành, ông Nguyễn Hóa – Trưởng thôn Vĩnh Sơn, cũng có một chút nuối tiếc. Nhà ông Hóa trồng 3 sào hành, nhưng thời tiết năm nay thiếu nước sản xuất. Nếu kéo dài, cây hành sẽ không đạt chất lượng tốt, nên ông Hóa bán sớm khi được giá. Làm ruộng ở Vĩnh Hảo, sợ nhất thiếu nước. Ông Hóa là người từng chứng kiến nhiều hộ dân nơi đây phải nhổ bỏ hành vì thiếu nước. Năm nay, Tuy Phong dường như bị động về nguồn nước sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân là 2 địa phương tâm điểm của sự khó khăn về nguồn nước. Lượng nước hồ Đá bạc chỉ còn hơn 1 triệu m3 để giữ độ ẩm. Để có nước, nhiều hộ phải chấp nhận mua nước với giá 90.000đồng/xe/4m3. Mua ngoài địa phương Vĩnh Hảo có giá cao gấp nhiều lần 250.000 đồng/xe/4m3. Chuyện thiếu nước sản xuất hay sinh hoạt, dường như trở thành thói quen ứng phó của nông dân và không còn là chuyện lạ. Chẳng biết đến khi nào, người nông dân bớt lo về nước sản xuất.
Theo
báo Bình Thuận