“Mưa điểm 10”: Đừng nhìn con số mà tung hô chất lượng
Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi và phổ điểm các môn của kỳ thi THPT quốc gia 2017, trong đó có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10 gấp 60 lần so với kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Nhiều người đặt ra câu hỏi nghi ngờ, liệu hơn 4.200 điểm 10 kia là chất lượng thực sự hay chỉ là những con số thể hiện chất lượng giáo dục ảo?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam |
PV: Vừa qua, 63 tỉnh thành đã công bố kết quả thi THPT quốc gia. Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia năm nay số lượng điểm 10 tăng đột biến với hơn 4.200 điểm gấp 60 lần kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (năm 2016 cả nước chỉ có hơn 70 điểm 10). Trước hiện tượng “mưa điểm 10” của năm nay, GS.TS có cảm xúc như thế nào?
GS.TS Phạm Tất Dong: Là thành viên của Hội đồng Giáo dục Quốc gia nên tôi cũng rất quan tâm đến thông tin này. Trước khi công bố điểm thi THPT quốc gia Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga có khẳng định trên báo chí “năm nay không có mưa điểm 10 như năm ngoái”.
Tuy nhiên, ngay sau khi công bố điểm, theo thống kê có hơn 4.200 điểm 10 làm tôi cũng quá ngạc nhiên. Phải chăng, chỉ trong 1 năm học chất lượng giáo dục của chúng ta lại tăng nhanh đột biến tới thế? Đó là một kỳ thi không bình thường.
Đặt một vấn đề, nếu đúng là điểm 10 thật thì có thể đề thi quá dễ hoặc có tiêu cực trong thi cử.
Ngay sau khi công bố điểm, theo thống kê có hơn 4.200 điểm 10, ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) có giải thích đó là những điểm 10 thực sự vì đề thi được chuẩn hóa. Thế nhưng dư luận lại lo ngại “mưa điểm 10” đột biến như vậy thể hiện chất lượng giáo dục ảo. GS.TS quan niệm thế nào về vấn đề này?
GS.TS Phạm Tất Dong: Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, không thể có chuyện cải cách giáo dục mà từ năm trước sang năm sau lượng điểm 10 tăng đột biến như vậy, trong khi Bộ GD&ĐT khẳng định đề thi đã được chuẩn hóa.
Thực tế, nhiều phụ huynh có con được điểm 10 cũng ngạc nhiên vì sao con mình giỏi đến thế. Biết đâu có những câu hỏi khó quá, thí sinh tô bừa đáp án lại đúng? Chúng ta không thể chỉ nhìn vào những điểm 10 mà tung hô chất lượng được nâng cao.
Tôi là người làm giáo dục lâu năm thực sự tôi không tán thành hình thức thi trắc nghiệm nhất là với môn Toán. Nó phản ánh không đúng năng lực của học sinh, không thể hiện được chiến lược tư duy của giới trẻ.
Thi trắc nghiệm là những câu hỏi ngắn, trong khi có những câu hỏi có mẹo riêng, nhìn cũng ra đáp án đúng mà không cần tính toán, không cần tư duy. Tôi chỉ sợ “mưa điểm 10” ở bài thi trắc nghiệm nó phản ánh một chất lượng giáo dục ảo.
Nếu nhìn theo chiều dài, chúng ta có thể thấy liên tiếp những năm qua Bộ GD&ĐT đều không giải quyết được vấn đề chất lượng của kỳ thi nên tìm lối thoát là năm nào cũng đổi mới cách thi. Nếu năm ngoái tốt rồi, năm nay cần gì phải đổi mới?
Nhìn chung phổ điểm của thí sinh năm nay đều tăng cao ở các môn. Theo GS.TS, điều này có làm khó các trường ĐH trong việc tuyển được đầu vào chất lượng không?
GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi tin chắc rằng, có nhiều trường không muốn dùng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển đầu vào. Tôi nghĩ rằng nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương. Các Sở có thể tự ra đề và nhà trường tổ chức cho học sinh thi tại địa phương.
Còn chuyện các trường ĐH tuyển sinh thế nào là quyền của các trường. Bởi lẽ, hiện nay các trường đã được giao quyền tự chủ và các trường phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình rồi mà? Sao lại phải phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT?
Tại sao phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vô cùng tốn kém mà không mang lại hiệu quả thực sự? Bộ GD&ĐT hãy để địa phương tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, đánh giá đúng năng lực của học sinh, tìm ra những bài học để năm sau dạy tốt hơn. Bộ GD&ĐT đừng gắn cuộc thi tốt nghiệp với tuyển sinh ĐH nó làm cho cuộc chạy đua trở nên cực kỳ căng thẳng.
Xin cảm ơn GS.TS về cuộc trò chuyện!