Mua cá nóc về ăn: 3 người trong gia đình nhập viện
Bệnh nhân ngộ độc tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. |
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái – Phó khoa cấp cứu chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: khoa này vừa tiếp nhận 4 bệnh nhân có biểu hiện nôn, đau bụng, tê lưỡi, tê bì ngoài da, tụt huyết áp, ỉa chảy, mệt mỏi và được chẩn đoán bị ngộ độc do thịt cá nóc.
Chị Đặng Thị Hạnh, trú tại thôn Đông Đoài - xã Cẩm Dương người thân của các nạn nhân kể sáng ngày 18/7, chị mua cá nóc từ người đánh cá trong cùng xã, về nấu cho cả nhà ăn. Sau khi ăn trưa xong, khoảng 15 phút sau, chồng chị Hạnh là anh Nguyễn Trọng Phương (SN 1963) cùng hai con trai của chị là Nguyễn Trọng Thắng (SN 2001), Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1998), đều thấy chóng mặt, nhức đầu và buồn nôn. Mỗi chị Hạnh là không ăn cá nóc nên không thấy các triệu chứng trên.Cùng thời điểm trên, anh Nguyễn Trọng Hương (SN 1958, trú tại xã Cẩm Dương) cũng ăn cá nóc và bị các triệu chứng ngộ độc. Cả bốn người trên được gia đình kịp thời đưa vào Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái cho biết: thông thường người bị ngộ độc, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, thắt lồng ngực, đổ mồ hôi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, nôn...Nạn nhân có cảm giác kiến bò ở đầu ngón tay, ngón chân, sau đó là nôn mửa choáng váng đau đớn, khó chịu ở vùng trán và trong lòng con mắt, thở chậm, đồng tử mở lo, thân thiện hạ, tụt huyết áp, da tím ngắt. Trong vài giờ người bị ngộ độc bị tê liệt hoàn toàn, chỉ ngay trước khi chết người bị ngộ độc mới mê man bất tỉnh.
Nguyên nhân là do độc tố của cá nóc gây liệt thần kinh trung ương và liệt hô hấp. Điểm đặc biệt cần nhớ là ngộ độc do cá nóc chỉ xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi ăn cá. Ngoài thời gian đó ra thường không phải do nguyên nhân cá nóc.Tỷ lệ tử vong cao nếu cấp cứu chậm.
Vì vậy, người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào, khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc như trên cần phải đến ngay cở sở y tế để được cấp cứu kịp thời, bác sỹ Thái khuyến cáo.
Ở biển cá nóc thường sống ở tầng đáy nên thường đánh bắt được khi dùng lưới vét. Thịt cá nóc có vị thơm và ngon nên nhiều người muốn ăn; Ở nhiều nước sau khi chế biến đặc biệt (để an toàn) thịt cá nóc được xem như một loại đặc sản nhưng vẫn bị giám sát rất chặt vì mục đích an toàn.
Chất độc của cá Nóc chủ yếu tập trung ở nội tạng như gan, ruột, thận, mật, cơ bụng và trứng. Đặc biệt độ độc tăng cao nhất vào mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 7 Ở Việt Nam. Tuy ở phần thịt của cá nóc không chứa độc tố nhưng khi bắt được cá nóc, ngư dân thường đập chết làm vỡ các cơ quan nội tạng của cá nóc làm cho chất độc ngấm vào phần thịt của cá nên khi ăn cá nóc khả năng ngộ độc càng tăng cao.
Để nhận dạng cá nóc cần nhớ cá nóc không có vảy rõ như các loài cá khác. Thân cá nóc thô ráp, sần sùi có nhiều đốm màu khác nhau trông rất sinh động. Mình cá ngắn với lưng lởm chởm đầy gai. Con dài nhất không quá 25 cm nặng không quá 1 kg và thường dưới 0,5kg.
Đầu cá dẹt, miệng nhỏ, răng gắn với nhau thành tấm và rất sắc. Giữa hàm răng trên và hàm răng dưới có vết rách chia đôi. Bụng cá phình tròn ra như bụng cá vàng, thân tròn, đuôi nhỏ dần. Khi gặp nguy hiểm, cá nóc có phản xạ tự vệ là ngậm hơi phình bụng to và ngửa lên trên. Khi ra khỏi môi trường nước cá nóc cũng có phản xạ như vậy nên đây là đặc điểm đặc trưng nhất để nhận biết cá nóc xử trí khi ngộ độc.
Khi phát hiện ngộ độc cần đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu. Có thể sơ cứu bằng cách cho nạn nhân uống một số loại nước có tác động giải độc như nước dừa, nước chanh, nước quả trám trắng.v.v...
Hiện nay kinh nghiệm chế biến cá nóc của ta chưa nhiều thì tốt nhất không nên ăn thịt cá nóc. Đánh bắt được cá nóc không phơi khô, không làm mắm và không bán cá nóc ra chợ. Không làm thức ăn cho gia súc.