Một động tác đơn giản có tác dụng hơn mọi loại thuốc kháng sinh
Trung bình, mỗi bàn tay bình thường sẽ có khoảng 150 loại vi khuẩn. |
Một nghiên cứu mới đây của trường đại học Đại học Colorado (Mỹ) được tiến hành trên 102 bàn tay người cho thấy có hơn 4.700 loại vi khuẩn khác nhau tồn tại. Trung bình, mỗi bàn tay bình thường sẽ có khoảng 150 loại vi khuẩn.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra lượng vi khuẩn ở bàn tay phụ nữ gấp đôi của đàn ông. Nguyên nhân là do bàn tay phụ nữ có độ pH cao, nồng độ axit thấp. Ngoài ra phụ nữ thường xuyên sử dụng kem dưỡng da, mỹ phẩm, làm móng, để móng tay dài, nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái nhiều hơn đàn ông... Điều này khiến đôi tay trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển sinh sôi.
Trong khi đó, thói quen rửa tay với xà phòng ở nước ta chưa được chú ý một cách triệt để. Một báo cáo khoa học năm 2010 tại Bệnh viện Nhiệt đới cho thấy: có tới 64% bà mẹ không rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Các bà mẹ cũng không chú trọng đến việc dạy con trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cho bản thân ngay từ nhỏ, kể cả thói quen rất đơn giản: rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi, sau khi vệ sinh và trước khi ăn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ cần một động tác rửa tay sạch là đã giảm tới 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn… Việc rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ mọi loại thuốc kháng sinh.
“Nó có thể làm giảm một nửa số ca tiêu chảy trên thế giới, giảm ½ các ca tử vong do viêm phổi và ¼ các ca do bệnh liên quan đến hô hấp. Tiêu chảy đứng thứ 2 trong số các nguyên nhân gây tử vong, mỗi năm giết hại hơn 1,5 triệu trẻ em. Vị trí quán quân thuộc về bệnh biêm phổi, mỗi năm cướp đi mạng sống của khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi. Rửa tay là một cách hữu hiệu phòng chống các căn bệnh này” – ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN nhấn mạnh.
Rửa thế nào cho đúng cách?
Quy trình rửa tay đúng cách:
- Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 - 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.
- Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).
- Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.
- Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.
- Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Tuy nhiên việc rửa tay cũng cần phải được thực hiện đầy đủ đúng thời điểm với các quy trình cụ thể. Theo đó, cần phải rửa tay trước khi: chế biến hoặc chuẩn bị thực phẩm; Khi ăn uống; Điều trị vết thương hoặc chích thuốc; Chạm vào người bệnh, người bị thương, vết thương; Chèn hoặc loại bỏ kính áp tròng.
Song song với đó người dân luôn luôn rửa tay sau khi: Chuẩn bị thức ăn, thịt gia cầm đặc biệt là nguyên liệu thô ; Sử dụng nhà vệ sinh; Chạm vào một con vật hay động vật đồ chơi, dây xích, chất thải; Thổi mũi, ho hoặc hắt hơi vào tay của bạn; Điều trị vết thương; Chạm vào người bệnh hay các vết thương; Khi xử lý rác thải hoặc một cái gì đó bị ô nhiễm, chẳng hạn như một miếng vải sạch hoặc giày bẩn; Rửa tay của bạn bất cứ lúc nào bạn thấy bẩn.
Các chuyên gia khuyến cáo rửa tay không mất nhiều thời gian nhưng nó mang đến nhiều lợi ích để ngăn ngừa bệnh tật. Thói quen đơn giản này đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của chính bạn và gia đình.
Nhiều nhân viên y tế quên rửa tay
Trong 382 bệnh viện tham gia đánh giá thì chỉ có 135 bệnh viện thực hiện việc giám sát rửa tay của nhân viên.
Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ phát động Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới; US AIDS và BV Bạch Mai tổ chức sáng 5/5.
Theo đó, vệ sinh tay được cho là biện pháp đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Tuy nhiên, việc tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế còn thấp. Qua giám sát theo quý năm 2014 cho thấy trong 382 bệnh viện tham gia đánh giá thì chỉ có 135 bệnh viện thực hiện việc giám sát rửa tay của nhân viên y tế.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh ( Bộ Y tế) cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị. Kết quả điều tra nhiễm khuẩn bệnh viện tại 36 bệnh viện phía Bắc của Việt Nam, tỉ lệ này là 7,9%.
Hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện là làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân từ 9- 24,3 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu. Trong khi đó, nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả.