Moscow: Sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là thảm họa lớn với Trung Đông
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tác động mạnh đến thị trường thế giới.
Iran đang đẩy mạnh các hoạt động làm giàu uranium, trái với những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015. |
“Cả Iran hay Mỹ và Châu Âu hay cả thế giới sẽ không được lợi từ việc thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ. Sự gia tăng căng thẳng sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu có thể tác động đến toàn thế giới, ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế và thị trường khác nhau. Hi vọng Mỹ hiểu được điều này”, ông Ryabkov nói.
Cũng theo thứ trưởng Nga, việc thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn ở Trung Đông và Iran hiểu được điều này. Ông Ryabkov cũng nói thêm, bất kỳ hành vi nhằm tước cơ hội xây dựng chương trình hạt nhân hòa bình của Iran đều chỉ là những mơ mộng hão huyền.
“Rõ ràng là một số nước muốn Tehran hoàn toàn không thực hiện chương trình hạt nhân, nhưng đây là giấc mơ không có thật và nó đi ngược lại hoàn toàn với Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân”, ông Ryabkov cho biết.
Bên cạnh đó, ông cũng thừa nhận rằng việc khôi phục lại tính hiệu quả của hiệp ước hạt nhân là rất khó và ông không rõ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai gần. Ông Ryabkov hi vọng rằng Iran sẽ không chế tạo vũ khí hạt nhân bởi mọi cơ chế kiểm soát từ thỏa thuận với nước này vẫn còn hiệu lực.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi mới đây cũng phát biểu trong một cuộc họp báo rằng mục đích ngừng thực hiện cam kết trong thỏa thuận hạt nhân là nhằm bảo vệ thỏa thuận này chứ không phá hủy nó, và đây là quyền được nêu ra trong thỏa thuận.
“Iran giảm thực hiện cam kết trong thỏa thuận theo khuôn khổ điều 36 của văn bản này. Chúng tôi thực ra đang thực hiện quyền lợi của mình nhằm cứu và bảo vệ thỏa thuận này chứ không phải muốn giết chết nó. Đây là lý do vì sao chúng tôi vẫn để dành hai tháng trước khi thực hiện mỗi bước đi để các biện pháp ngoại giao có thể tiếp tục”, ông Araghchi nói.
Ông Araghchi nói thêm rằng thỏa thuận có thể sẽ sụp đổ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 trừ phi một giải pháp được tìm ra trong tương lai.
Tehran bắt đầu ngừng thực hiện cam kết trong thỏa thuận hạt nhân vào ngày 8/5 vừa qua, đúng một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Iran đã nhiều lần nhấn mạnh rằng những hành động của họ đều có thể được đảo ngược nếu các nước Châu Âu có chữ ký trong thỏa thuận đảm bảo lợi ích của Iran, cụ thể là lợi ích kinh tế, trước sự trừng phạt của Mỹ.