Món cá chép 'kinh dị' xuất xứ từ Trung Quốc?
Món cá chép 'kinh dị' xuất xứ từ Trung Quốc?
Anh Nguyễn Văn Trường, quản lý nhà hàng Vườn Nam Bộ (42 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội) khẳng định đây là món ăn của nhà hàng này. Con cá dùng chế biến, theo tiết lộ từ phía nhà hàng, nặng hơn 1 kg và "đang bơi". Mức giá 250.000 đồng/đĩa cũng không phải quá đắt so với mặt bằng hiện nay. Anh Trường nói, anh biết phản ứng của dư luận về món cá này khi xem clip được tung lên mạng và bản thân các thực khách khi đến nhà hàng cũng có ý kiến trái chiều.
Món “Cá chép hóa rồng” không quá “hot”, anh Trường tiết lộ. Bằng chứng là mức giá cũng phải chăng, và không có nhiều khách gọi món này khi đến với nhà hàng. Từ chối tiết lộ bí kíp làm nên món ăn bị dư luận gọi là “kinh dị”, anh Trường chỉ bật mí một vài công đoạn chế biến. “Chọn cá sống, sau khi sơ chế bỏ vào chảo chiên phần thân đến đuôi 10-15 phút, phần đầu để sống. Sau khi thực khách ăn hết chỗ thịt chín tại mình cá, phần đầu được cho vào nấu canh”, quản lý nhà hàng tiết lộ.
Quản lý Vườn Nam Bộ nói thêm, đầu bếp làm món ăn nói trên là Chu Minh Tấn (32 tuổi), người Sài Gòn nhưng hiện nghỉ phép. Không bình luận về vấn đề đạo đức kinh doanh hay những mỹ từ “kinh dị, dã man” mà nhiều người đang bàn tới, anh này chia sẻ, chỉ nên nghĩ đơn giản đây là một món ăn, một nét ẩm thực.
Trong khi đó, dư luận cũng như những người kinh doanh mặt hàng ăn uống vẫn chưa hết bức xúc về cách chế biến món ăn có một không ai này. Chị Minh Hồng, có cửa hàng bán đồ ăn trên phố Xã Đàn (Hà Nội) cho biết, khi được cậu em trai cho xem clip nói trên, chị sửng sốt khi nhìn con cá phần đuôi đã bị chiên vàng, còn đầu vẫn sống, mắt mở, miệng ngáp.“Thiếu gì món ngon làm từ cá chép, nào cháo, om dưa, nấu canh chua… mà lại chế biến kiểu đó, nhìn thấy ghê, huống chi còn ăn”, chị Hồng chia sẻ.
Nhà hàng nơi kinh doanh món cá chép nói trên. Theo quản lý, cách chế biến món ăn này có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Mạnh Cường. |
Tại quán chị Hồng cũng có những món ăn làm từ cá, trong đó có cá chép. Giá cả những món này dao động từ 100.000 đồng đến hơn 300.000 đồng tùy cách chế biến và trọng lượng cá. “Nói thật, kinh doanh hàng ăn cả chục năm nay, chưa bao giờ tôi nghĩ ra cách chế biến lạ lùng như thế. Con cá không có cảm xúc như những con vật khác như chó, mèo… nhưng nhìn ánh mắt và cái miệng ngáp ngáp như cầu cứu của nó, mà người ăn vẫn ăn được, thì cũng nên xem lại tư cách, chứ không chỉ đổ lỗi cho phía nhà hàng”, chủ quán ăn nói trên bức xúc.
Chị Thu Hằng, kinh doanh quán lẩu lòng cá, lẩu cá tại phố Lê Đức Thọ thì chia sẻ, cũng có thể, nhà hàng có mục đích quảng bá sản phẩm cá chép còn tươi, ngon để thực khách an tâm về vệ sinh thực phẩm. Nhưng theo chị, cách làm món ăn như trên sẽ gây phản cảm nhiều hơn là thích thú, lạ lẫm. “Điều này là tối kỵ trong kinh doanh, vì nếu có ấn tượng không hay từ phút đầu tiên, thì khách hàng sẽ không bao giờ chọn sản phẩm, dịch vụ này”, chị Hằng chia sẻ.
Chuyện giật tên món ăn gây sốc hay cách chế biến lạ không còn là chiêu trò mới của các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cách đây vài tháng, một nhà hàng tại Hà Nội cũng đặt tên món ăn “Lẩu sữa mẹ” gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng, tên gọi trên là phản cảm vì động chạm đến tình mẫu tử thiêng liêng nhưng cũng có những luồng ý kiến đồng tình, cho rằng đó là cách sáng tạo của nhà hàng.
Điểm chung của hai món ăn “Cá chép hóa rồng" được cho là “kinh dị” nói trên và món “Lẩu sữa mẹ” là cùng có xuất xứ từ Trung Quốc. Chị Minh Hồng, người kinh doanh nhà hàng nói trên cho biết, thức ăn cũng như cách chế biến món ăn Việt Nam rất phong phú, nên không có lý do gì để các nhà hàng trong nước “học đòi” làm món ăn nước ngoài với những cái tên và cách chế biến gây “cảm giác mạnh” như vậy.
MẠNH CƯỜNG