Môi trường đô thị đối mặt với gia tăng khí độc, ô nhiễm
Chiều 20/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, chủ đề “Môi trường đô thị”.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. |
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, nhiều vấn đề môi trường đô thị nổi cộm như ô nhiễm bụi tại các khu vực đô thị vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành vẫn diễn biến phức tạp; vấn đề ngập úng tại các khu đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng…..
Hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Mức độ ô nhiễm ở các đô thị là khác nhau và phụ thuộc vào mật độ dân số, mật độ giao thông và tốc độ xây dựng.
Trong các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị thì vấn đề ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất. Nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây. NO2 có dấu hiệu ô nhiễm và tăng mạnh vào giờ cao điểm giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TP.HCM...
Riêng khí O3, từng ghi nhận sự gia tăng bất thường ở các đô thị lớn, nay tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo, tại các trạm quan trắc tự động gần đường giao thông, nồng độ O3 đã vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam trong khá nhiều ngày trong năm.
Báo cáo môi trường quốc gia cũng ghi nhận, ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều đô thị Việt Nam. Tại các tuyến đường giao thông lớn, ô nhiễm tiếng ồn đều vượt quy chuẩn trong khung giờ từ 6-21 giờ. Ngay cả các đô thị nhỏ ô nhiễm tiếng ồn giao thông vẫn diễn ra. Theo báo cáo, dù chưa có nhiều nghiên cứu song ô nhiễm tiếng ồn gây tác động xấu tới sức khoẻ và đời sống sinh hoạt của người dân.
Đáng chú ý hơn, đó là hành vi cố tình xả thải các chất độc hại của các chủ doanh nghiệp gây thiệt hại kinh tế, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư các khu vực lân cận.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cũng đã được nhắc tới các sự cố môi trường nổi cộm như sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Formosa Hà Tĩnh; ô nhiễm nước sông Bưởi (Thanh Hóa) do nước thải sản xuất chưa qua xử lý xả ra môi trường; ô nhiễm nước sông Cẩm Đàn (Bắc Giang) do nước thải khai thác khoáng sản chưa qua xử lý xả thải vào sông; cá chết trên diện rộng tại Hồ Tây (Hà Nội); ô nhiễm môi trường do vỡ hồ nước và bùn thải khai thác Titan tại Bình Thuận….
Qua những sự cố đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc đúc kết bài học về kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; nhất là công tác giám sát, đánh giá đúng tác động tới môi trường của các dự án ngay từ khi xây dựng, phê duyệt, đặc biệt các dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường.
Một trong số các kiến nghị đáng chú ý của báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ, đó là tăng tỷ lệ chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lên mức 1,5% tổng chi ngân sách để đảm bảo yêu cầu trong giai đoạn mới.