MobiFone và tham vọng thoát khỏi “chiếc áo chật chội” dịch vụ thông tin DĐ
Sẽ thoát khỏi “chiếc áo chật chội” dịch vụ thông tin di động
Với định hướng của Bộ TT&TT, tạo thế chân vạc cạnh tranh trên thị trường Viễn thông công nghệ thông tin cho Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã ra đời trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động (theo quyết định số 1798/QĐ-BTTTT ngày 1/12/2014).
Cũng từ thời điểm đó, MobiFone được Bộ TT&TT trao đầy đủ chức năng nhiệm vụ, chính sách, cơ chế và cơ cấu hợp lý để trở một Tổng công ty Viễn thông bình đẳng với VNPT và Viettel trên tất cả các lĩnh vực, từ dịch vụ viễn thông, CNTT, phát thanh truyền hình cho tới truyền thông đa phương tiện.
Cụ thể hơn, sẽ thoát khỏi chiếc áo chật chội trước đây chỉ có chức năng cung cấp dịch vụ thông tin di động, định hướng chiến lược của kinh doanh MobiFone tới năm 2020 là hướng đến việc cung cấp đa dịch vụ, khai thác hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ cơ bản, đồng thời xây dựng và khai thác những động lực phát triển mới, chú trọng vai trò của CNTT và phát triển dịch vụ truyền hình.
MobiFone sử dụng các KPI (Key Performance Indicator - chỉ số đánh giá thực hiện công việc) về mức độ trải nghiệm (hài lòng) của khách hàng thay vì các KPI về mạng lưới như hiện tại; thay đổi triết lý “Vùng phủ thoại - Voice Convergence” thành “Vùng phủ ứng dụng - Application Convergence” (2G/3G/LTE).
Dịch vụ của MobiFone còn bao gồm cả dịch vụ băng rộng và kết nối internet cố định; với dịch vụ truyền hình trả tiền MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình công nghệ hiện đại trên toàn quốc (mạng lưới, dữ liệu, giải pháp thiết bị đầu cuối); trong lĩnh vực kinh doanh internet băng rộng sẽ cung cấp các dịch vụ ADSL, FTTH và 3G.
Ngoài ra, đại diện MobiFone cho hay Tổng Công ty sẽ phát triển mô hình kinh doanh mới bằng cách kết hợp các kết nối trực tiếp (connectivity) từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng cuối cùng (end-user); các dịch vụ Machine – to – Machine (M2M) bên cạnh các dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, SMS, data; phát triển mạnh các dịch vụ thương mại điện tử di động (M-Commerce); sản xuất phần mềm và giải pháp CNTT (tập trung vào Cloud, giải pháp CNTT cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải pháp CNTT phục vụ đào tạo, phần mềm OTT và các sản phẩm tích hợp với thiết bị đầu cuối viễn thông và TV, các sản phẩm dịch vụ giá trị gia tăng).
Tính theo số lượng khách hàng sử dụng, MobiFone đặt mục tiêu đến năm 2020 nằm trong top 3 nhà cung cấp giải pháp phần mềm viễn thông, top 3 nhà cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp tại Việt Nam, trong top 5 nhà cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống, top 5 nhà cung cấp giải pháp phần mềm hành chính công, top 5 nhà cung cấp giải pháp quản lý văn phòng, tòa nhà thông minh và nằm trong top 10 nhà cung cấp phần mềm cho khách hàng cá nhân.
Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh của Tổng Công ty với các chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu sẽ mang tính “đột phá”: năm 2015 tăng 5% (tương đương 37.940 tỷ đồng), 2016 tăng 27% (48.023 tỷ đồng), 2017 tăng 18% (tương đương 56.667 tỷ đồng), năm 2018 tăng 19% (khoảng 67.434 tỷ đồng), năm 2019 tăng trưởng 21% (81.595 tỷ đồng) và đến năm 2020 sẽ tăng 23% (khoảng 100.362 tỷ đồng).
MobiFone sẽ làm gì để đạt các mục tiêu?
Theo đại diện MobiFone, để đạt mục tiêu, MobiFone sẽ đầu tư để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới 4G LTE, các lĩnh vực đầu tư của MobiFone như: đầu tư phục vụ di động, phục vụ truyền dẫn, phục vụ dịch vụ băng rộng và phục vụ truyền hình. Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2015-2020 dự kiến lên đến 73.016 tỷ đồng.
Để không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh, thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh doanh đạt mức tăng trưởng doanh thu đến năm 2020 gấp gần 3 lần so với hiện tại (100.362 tỷ đồng), đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư lên đến 73.016 tỷ đồng và vốn phục vụ hoạt động kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Những nguồn vốn kinh doanh hiện tại của MobiFone bao gồm nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn huy động. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng (dự kiến đến cuối 2015 sẽ bổ sung đủ vốn điều lệ đã được phê duyệt tăng từ 12.600 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng nguồn quỹ đầu tư phát triển) và nguồn vốn tự bổ sung từ lợi nhuận sau thuế, nguồn khấu hao…
Nguồn vốn chủ sở hữu là một nguồn vốn quan trọng và có tính ổn định cao thể hiện quyền tự chủ về tài chính của MobiFone. Tuy nhiên nếu chỉ có nguồn vốn chủ sở hữu thì chưa đủ để MobiFone thực hiện các kế hoạch đã đề ra trong chiến lược kinh doanh của mình, phải có đủ lượng vốn cần thiết thì mới có thể triển khai các kế hoạch đầu tư, kế hoạch kinh doanh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đã đề ra. Do đó việc MobiFone phải huy động thêm vốn là một tất yếu.
Các nguồn vốn được MobiFone cân nhắc huy động bao gồm nguồn vốn vay từ các ngân hàng, nguồn vốn chiếm dụng hợp pháp (các khoản nợ nhà cung cấp chưa đến hạn trả, các khoản nộp ngân sách Nhà nước chưa đến hạn nộp, các khoản phải trả khác chưa đến hạn thanh toán…)
MobiFone luôn cân nhắc việc sử dụng hình thức tạo lập vốn phù hợp, thời hạn huy động vốn dài hay ngắn để tìm cho mình những phương thức tạo lập vốn phù hợp nhất, hiệu quả nhất sao cho vừa phát huy khả năng tiểm ẩn của MobiFone, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa tối thiểu hoá chi phí, hạn chế thấp nhất rủi ro nhằm thực hiện được các mục tiêu của mình. Một trong những nguồn vốn ít rủi ro nhất không thể không kể đến là nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ do Bộ TT&TT giao cũng như thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh doanh đồng thời thực hiện đúng qui định của nhà nước, đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, đại diện MobiFone cho hay MobiFone cần được nhà nước quan tâm cho bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế với tỷ lệ phù hợp như đã qui định tại các văn bản hướng dẫn của Nhà nước và Bộ Tài chính (Nghị định 71/2013/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 220/2013/TT-BTC). Theo đó vốn điều lệ cần thiết cho MobiFone đến năm 2020 tối thiểu là 20.000 tỷ đồng.