"Mổ xẻ" điểm sáng kinh tế 2012
Số liệu đưa ra về những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm 2012 có phản ánh đúng thực chất?Những con số được coi là điểm sáng có thực sự là điểm đáng mừng như chúng ta vẫn nghĩ? Liệu những mục tiêu về kinh tế năm 2013 mà Chính phủ đưa ra có thực hiện được?
Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia mổ xẻ sôi nổi tại hội thảo “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách năm 2013” do Trung tâm nghiên cứu chính sách (ĐHKT-ĐHQGHN) tổ chức.
Tại buổi Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: những điểm sáng của kinh tế năm 2012 không thực sự đáng mừng vì những điểm sáng đó không có sự lan tỏa nhiều trong những năm tiếp theo. Nhìn lại những thành công được cho là điểm sáng trong năm vừa qua còn nhiều cái đáng lo.
TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ quan ngại:, xuất khẩu (XK) tăng 18,3% đạt con số kỷ lục 114 tỷ USD song XK tăng chủ yếu do khối DN có vốn FDI trong khi khối DN trong nước giảm. Năm nay chúng ta xuất siêu 284 triệu USD song nắm phần chủ lực cũng là khối DN FDI trong khi khối DN trong nước nhập siêu lớn.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Chúng ta hoàn toàn xuất khẩu hộ nước khác! Ảnh minh họa |
Dự trữ ngoại hối tăng mạnh lên trên 20 tỷ USD, gấp đôi năm 2011 không chỉ do xuất siêu và nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu giảm mà còn do lượng kiều hối đổ về cao kỷ lục (11 tỷ USD). Ngoai tệ đổ về chuyển sang VND để hưởng chênh lệch lãi suất. Lượng tiên gửi là VND tăng còn USD gửi không đổi, tỷ giá ngoại tệ ổn định hầu như suốt năm. Lạm phát giảm mạnh còn 6,8% (từ 12% năm 2010 và 18% năm 2011) song chủ yếu do sức mua yếu và tổng cầu của nền kinh tế thấp, chưa phải do lạm phát đã được kiềm chế một cách căn bản.
Bàn về việc xuất siêu, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bày tỏ: Lần đầu tiên trong vòng 20 năm, Việt Nam đạt xuất siêu 284 triệu USD. Nhưng XK của chúng ta phụ thuộc vào 3 yếu tố: XK tài nguyên, XK lao động và XK năng lượng giá rẻ. Yếu tố này không kéo dài được. Chúng ta hoàn toàn xuất khẩu hộ nước khác. Kể cả hàng dệt may Việt Tiến là của Việt Nam nhưng từng cây kim, sợi chỉ đến máy móc chúng ta đều nhập khẩu từ nước bạn.
Với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất và làm giảm giá tiêu dùng trong nước thì xuất siêu không phải không tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại mặt hàng nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị nguyên vật liệu… dùng cho sản xuất lại phải nhập khẩu rồi sau đó phục vụ cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khấu như điện tử, máy tính bà linh kiện điện thoại, dệt may, giầy dép… lại mang nặng tính lắp ráp gia công chính vì thế hiệu quả kinh tế thu về cũng chẳng đáng bao nhiêu. Năm 2012, xuất siêu là 284 triệu USD thì tăng trưởng GDP lại chỉ đạt 5,03%, thấp nhất trong 12 năm qua.
Thu nhập quốc gia, theo con số thống kê từ năm 2000-2010 luồng tiền đi ra ngoài tăng xấp xỉ 14 lần sau 10 năm. Rõ ràng luồng tiền ra như thế thì GDP tăng cũng không có ý nghĩa gì. Vấn đề dự trữ ngoại hối tăng, ông Bùi Trinh cho rằng: Kiều hối chuyển về nhiều là lợi dụng tỷ giá chệnh lệch, lãi suất huy động giữa đồng nội tệ và ngoại tệ. Đây là điều tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các chính sách tác động đến cuộc sống rất ít!
Chuyên gia kinh tế TS. Lưu Bích Hồ: Điểm sáng lớn nhất của năm nay tôi cho là thuộc về nông nghiệp và nông thôn. Ảnh minh họa. |
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cũng bày tỏ quan điểm: Về cơ bản tôi lo ngại về những số liệu của chúng ta, không chỉ những con số của các Bộ, của TCTK mà cả những con số của ngân hàng. Con số đưa ra thay đổi rất nhanh và thường không khớp nhau. Năm tới chúng ta cần chấn chỉnh điều hành: cách điều hành không đồng bộ, nói mà không làm được. Lý do không làm được là do khó quá hoặc không chịu làm. Chúng ta áp dụng nhiều chính sách điều hành. Điểm sáng lớn nhất của năm nay tôi cho là thuộc về nông nghiệp và nông thôn.
“Những con số phát triển khả quan thế nào, khẩu hiệu thế nào không quan trọng bằng việc đem lại lợi ích thiết thực cho người dân ra làm sao và tiền vào túi dân là bao nhiêu. Ví như chúng ta cứ nói BĐS đang xuống giá, giá mua BĐS đang “mềm”, trước bán 10 giờ hạ xuống 7 người bán gọi là “mềm”. Nhưng điều đó vẫn không mềm với túi tiền của dân. Hạ xuống 7 nhưng trong túi người dân chỉ có 3 thì làm sao gọi là mềm, kể cả có hạ xuống 5 thì cũng không phải là mềm so với dân. “Mềm” là phải “mềm” so với dân”. Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
Trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay thì những mục tiêu kinh tế trong năm 2013 như tăng trưởng GDP là 5,5%; tăng trưởng XK là 10%, tỷ lệ nhập siêu/XK là 8%, bội chi NS = 4,8% GDP, CPI=6-6,5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội =30% GDP… đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng về tính khả thi.