Miếng dán tránh thai 'hot' với chị em phụ nữ, bác sĩ nói gì?
Nhiều chị em sau sinh đã chọn miếng dán tránh thai vừa tiện, không lo quên như uống thuốc tránh thai hàng ngày.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh – 34 tuổi, Hà Nội tâm sự chị đã sinh mổ 2 lần và hai vợ chồng chị không muốn sinh thêm con nữa. Tuy nhiên, chị Linh đã bị vỡ kế hoạch nhiều lần. Chị muốn cấy que tránh thai lại sợ cảnh cài que vào trong người. Chị Linh đã tiêm thuốc tránh thai vài lần nhưng rất mất thời gian đi tiêm. Cuối cùng, chị Linh chọn được biện pháp tránh thai bằng miếng dán. Miếng dán này hầu như mua trên mạng chứ ngoài nhà thuốc ít có.
Chị Linh trải nghiệm qua và tự cho rằng đã tìm được “chân ái” cho việc tránh thai. Sử dụng miếng dán đơn giản, mua 1 hộp 3 miếng giá khoảng 550 nghìn đồng và dán 7 ngày 1 lần, chị Linh hay dán vào phần dưới eo để không quên, có thể nhìn thấy hàng ngày nếu bị bong xử lý ngay được. Chị Linh không thấy tác dụng phụ gì.
Trên hội nhóm Các biện pháp tránh thai hiện đại, nhiều chị em phụ nữ cũng chia sẻ về việc họ thất bại với nhiều biện pháp tránh thai và đã tìm ra miếng dán tránh thai và rất hợp, vừa tiện, vừa an toàn nhưng so với các biện pháp tránh thai truyền thống đắt hơn. Ví dụ miếng dán Thái Lan được bán giá 350 – 400 nghìn đồng, của Đức giá từ 400 – 580 nghìn đồng mỗi tháng chị em sẽ tốn một khoản chi phí cho việc tránh thai.
Theo Ths.BS Lê Quang Hòa – Phó trưởng khoa sản nhiễm trùng C3, ngay sau sinh 6 tuần, cơ thể phụ nữ đã có khả năng thụ thai trở lại. Việc sử dụng biện pháp tránh thai nào chị em phụ nữ cũng cần tìm hiểu thật kỹ. Với việc sử dụng miếng dán tránh thai, bác sĩ Hoà cho biết đây không phải là phương pháp phổ biến, tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Nhưng do sự tiện dụng nên nhiều chị em vẫn sử dụng miếng dán để tránh thai.
Ảnh minh hoạ. |
Miếng dán tránh thai có kích cỡ khoảng 4,5cm, khá mỏng và được dán vào vùng bụng, lưng, mông hoặc bắp tay. Miếng dán có nội tiết tố nữ được thẩm thấu tự nhiên qua da từ miếng dán, không phải uống như viên thuốc tránh thai kết hợp hoặc tiêm bắp thịt hay cấy dưới da...
Chúng sẽ ngăn cản sự rụng trứng bằng cách phân phối hai hormone tổng hợp là progestin và estrogen vào cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng biện pháp, phụ nữ cần có những hiểu biết cần thiết, đặc biệt là thời điểm thực hiện biện pháp và cách sử dụng cụ thể cũng như cách xử trí khi gặp tình huống khó khăn xảy ra để biện pháp tránh thai đạt được hiệu quả tốt.
Với phụ nữ đang cho con bú nên chờ khoảng 6 tuần mới sử dụng miếng dán. Bởi nó có thể làm giảm số lượng, chất lượng sữa mẹ. Dùng miếng dán tránh thai cũng gây ra khá nhiều tác dụng phụ như đau đầu, đau ngực, ra máu âm đạo bất thường…
Đặc biệt, một số nguyên cứu cho thấy miếng dán tránh thai có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, máu vón cục. Bởi vậy, tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng phương pháp này.
Với phụ nữ đã mổ sinh thì việc tránh thai chỉ chống chỉ định đặt vòng, chị em có thể áp dụng rất nhiều các biện pháp tránh thai khác đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhưng vẫn có hiệu quả tránh thai cao.
Ví dụ như thuốc cấy tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, thuốc đặt âm đạo tránh thai… là những biện pháp tránh thai có hiệu quả cao, dùng đúng có thể đạt từ 91-99%.
Một số biện pháp màng chắn như bao cao su (dành cho nam và nữ), mũ cổ tử cung, màng chắn âm đạo, thuốc diệt tinh trùng… hiệu quả đạt trên 80%.., các biện pháp triệt sản nam, triệt sản nữ.
BS Hoà cho biết mỗi một biện pháp đều có ưu nhược điểm, cũng như chỉ định và chống chỉ định riêng nên bạn cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.
Ngoài tính hiệu quả, lựa chọn phương pháp ngừa thai nào còn phải dựa trên tính an toàn, kinh tế, và khả năng chấp nhận của từng người dùng cụ thể.
Bạn cần cung cấp thêm về độ tuổi, tình hình cho con bú sữa mẹ, các yếu tố về tiền căn bệnh lý cá nhân và gia đình, cũng như đến phòng khám phụ khoa để bác sĩ xác định phương pháp nào là phù hợp nhất.
Khánh Chi