Miền Trung chuẩn bị đón một đợt mưa lớn, nguy cơ lặp lại trận lũ lịch sử 1999
Sáng nay, bão số 5 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định-Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gây gió mạnh, mưa lớn, một số khu vực lượng mưa xấp xỉ 400mm, tốc độ gió mạnh cấp 8-9, có nơi giật cấp 11.
Dự báo trong những ngày tới sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới và có khả năng tiếp tục xuất hiện một cơn bão mới, gây ra một đợt mưa rất lớn ở các tỉnh miền Trung (ảnh minh họa). |
Nhận định về tình hình mưa lũ sau bão, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên tiếp tục có mưa ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận với tổng lượng mưa 40-70mm, khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có tổng lượng mưa 80-150mm, có nơi trên 150mm, ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có tổng lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Về lũ trên các sông, một số sông ở khu vực Bình Định, Quảng Ngãi đang lên; tại sông Vệ trên mức báo động (BĐ) 3 là 0,2m và tiếp tục lên, khu vực sông Trà Khúc lên mức BĐ3 trong chiều tối ngày 31/10. Nguy cơ ngập lụt tại khu vực sông Trà Khúc và sông Vệ, đặc biệt lưu ý khu vực sông Vệ nơi có địa hình trũng thấp. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Theo ông Khiêm, dự báo trong những ngày tới sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới và có khả năng tiếp tục xuất hiện một cơn bão mới, gây ra một đợt mưa rất lớn ở các tỉnh miền Trung. “Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 300 - 500mm, có nơi mưa trên 500mm, nên các tỉnh miền Trung có nguy cơ lặp lại trận lũ lịch sử năm 1999”, ông Khiêm thông tin.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 5 đã khiến 7 tàu vận tải/70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi, 5 tàu đã khắc phục đảm bảo an toàn; 70 tàu cá (tàu gỗ) loại vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, bị dồn xô, va đập, đến nay, có 25 tàu được khắc phục và đi vào nơi neo đậu an toàn (còn lại 45 tàu đang được hỗ trợ xử lý).
Mưa bão cũng khiến 144 nhà dân bị sập hoàn toàn; 2000m kè biển bị sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng tới 96 hộ dân nằm dọc trên kè.
Bên cạnh đó, một số cầu bị sập, hàng ngàn cây xanh bị đổ, mất điện diện rộng, ước tính thiệt hại gần 400 tỷ đồng.
Tại Phú Yên, có hơn 20 chiếc thuyền bị chìm, lồng bè thủy sản ít thiệt hại; có 14 nhà sập hoàn toàn, 18 ngôi nhà thiệt hại 30-50%; về nông lâm nghiệp: 70 ha bị ảnh hưởng, ngập úng, đổ ngã; khoảng 2000m3 đất bị sạt lở. Mất điện hoàn toàn 72 xã, hiện đã khắc phục 11 xã.
Nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện.
Tại cuộc họp họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lũ sau bão diễn ra sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng -Trưởng Ban đánh giá cao nỗ lực của các Bộ ngành và địa phương trong chỉ đạo ứng phó với bão số 5, thực hiện nghiêm công điện của Ban chỉ đạo; công tác dự báo đã kịp thời, sát thực tế, công tác thông tin tới người dân kịp thời đặc biệt qua hệ thống tin nhắn và các cơ quan thông tấn báo chí đã kịp thời thông tin diễn biến tình hình bão tới người dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, bão số 5 đổ bộ nhưng cấp độ không quá mạnh nên đến nay chưa có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng giảm.
Mặc dù cơn bão không mạnh nhưng đi nhanh, dễ gây tâm lý chủ quan, dù đã có sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt, tuy nhiên công tác chỉ đạo ứng phó đôi lúc còn lúng túng, đặc biệt trong quản lý neo đậu tàu thuyền tại Bình Định; cần xem xét rút kinh nghiệm và có kế hoạch bố trí neo đậu tàu thuyền phù hợp, đảm bảo đủ khả năng. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương không được chủ quan và chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai bất thường trong thời gian tới.