Miền Trung: 36 người chết, mất tích, bị thương do mưa lũ
Báo cáo sáng 5/11 của Chi cục Phòng chống thiên tai (PCTT) miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay, tính đến 21h ngày 4/11, trong khu vực đã có 10 người chết do đợt mưa lũ từ ngày 30/10 đến nay, gồm Quảng Bình: 03 người; Quảng Trị: 02 người; Bình Định: 01 người; Phú Yên: 03 người; Đắk Lắk: 01 người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế (bên trái) kiểm tra tình hình xả lũ tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ vào sáng 3/11- Ảnh: Báo Phú Yên |
Ngoài ra còn có 08 người mất tích (Quảng Bình: 01 người; Quảng Ngãi: 03 người; Phú Yên: 03 người; Kon Tum: 01 người); 18 người bị thương (Quảng Bình: 14 người; Quảng Trị: 02 người; TT.Huế: 01 người; Quảng Ngãi: 01 người).
Đến nay đã có 48 nhà bị sập (Quảng Bình: 02 nhà; TT.Huế: 02 nhà; Quảng Ngãi: 03 nhà; Bình Định: 34 nhà; Khánh hòa: 04 nhà; Ninh Thuận: 03 nhà); 146 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Bình: 93 nhà; Quảng Ngãi: 17 nhà; Bình Định: 34 nhà; Khánh Hòa: 02 nhà); 38.022 nhà bị ngập (Quảng Bình: 25.896 nhà; Quảng Trị: 2.596 nhà; Quảng Ngãi: 19 nhà; Bình Định: 1.450 nhà; Phú Yên: 6.760 nhà; Khánh Hòa: 246 nhà; Ninh Thuận: 18 nhà; Gia Lai: 196 nhà; Đắk Lắk: 841 nhà).
Tính chung tổng thiệt hại ước tính ban đầu về nhà ở, sản xuất nông nghiệp (lúa và hoa màu bị ngập, gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi) giao thông thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở... là 155,038 tỷ đồng (Quảng Bình: 55 tỷ; Quảng Trị: 95 tỷ; Kon Tum: 5,038 tỷ). Các tỉnh khác đang tiếp tục cập nhật.
Cũng theo Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên, hiện lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận đang xuống; sông Srêpôk (Đắk Lắk) đang lên. Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận tiếp tục xuống, sông Srêpốk tiếp tục lên. Chiều tối nay (05/11), lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông.
Tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, Đắk Lắc vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); huyện Mdrăk, Krông Bông, Eakar (Đăk Lắk).
Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, đặc biệt là các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Srêpôk. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Hồi 04h ngày 05/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Dự báo trong 06 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 10 giờ ngày 05/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Bình Thuận-Bà Rịa Vũng Tàu.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Vùng nguy hiểm trên biển trong 06 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): Vĩ tuyến 90N đến Vĩ tuyến 120N; Kinh tuyến 1060E đến Kinh tuyến 1110E (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.