Máy đo chức năng vòi nhĩ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam
Máy đo chức năng vòi nhĩ sẽ đánh giá được toàn diện các hoạt động chức năng của vòi nhĩ ngay cả khi đã thủng màng nhĩ |
PGS.TS. Lê Công Định, Trưởng Khoa Tai mũi họng, BV Bạch Mai cho biết: Vòi nhĩ là một ống thông, nối tai giữa với mũi họng, nó giữ vai trò rất quan trọng trong các bệnh lý tai. Khi thăm khám bằng nội soi và một số phương pháp đang áp dụng hiện nay tại Việt Nam chỉ đánh giá được một phần hình thái và hoạt động của vòi nhĩ.
Theo đó, với máy Đo chức năng vòi nhĩ sẽ giúp đánh giá toàn diện các hoạt động chức năng của vòi nhĩ trong các bệnh: Viêm tai giữa có thủng và không thủng màng nhĩ, bệnh hẹp hoặc doãng rộng vòi nhĩ, các bệnh lý ù tai, nghe kém không do viêm tai, đánh giá trước và sau phẫu thuật tai, tuyển chọn và đánh giá ảnh hưởng của nghề nghiệp ở những người làm trong môi trường thay đổi áp suất: phi công, thợ lặn...Qua đó giúp việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về Tai được chính xác và hiệu quả hơn.
PGS.TS. Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi họng Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Máy đo chức năng vòi nhĩ do phía Nhật Bản tài trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong khuôn khổ hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) và Văn phòng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Nhờ sự hỗ trợ của Nhật Bản, Bệnh viện Bạch Mai đã khai trương Trung tâm Thính học Việt Nam – Nhật Bản. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại đồng bộ bậc nhất Việt Nam, Trung tâm Thính học có thể: Chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về Tai ở cả người lớn và trẻ em như viêm nhiễm, khối u, dị dạng bẩm sinh, chấn thương, lão thính... Sàng lọc và phát hiện sớm nghe kém ở trẻ sơ sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thực hiện các thăm dò chức năng về tai như: đo thính lực, đo nhĩ lượng, đo chức năng vòi tai, đo âm ốc tai .. để giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác, kịp thời. Tư vấn và hiệu chỉnh máy trợ thính cho bệnh nhân suy giảm sức nghe có chỉ định đeo máy trợ thính.
Các bác sĩ chuyên khoa cũng lưu ý, nếu người dân có những dấu hiệu suy giảm thính lực thì nên đi khám chức năng nghe. Cụ thể, với người lớn, khi nghe đài, tivi không rõ, phải bật âm lượng lớn hơn so với trước; hoặc nghe điện thoại 1 bên thấy không rõ tiếng bằng bên đối diện; hoặc trong khi nói chuyện thì luôn yêu cầu người đối thoại phải nhắc lại.
Thấy có tình trạng ù tai, nghe thấy tiếng u u, i i trong tai, cảm giác đầy, đút nút, có nước trong tai. Có thể kèm chóng mặt, mất thăng bằng. Tình trạng suy giảm chức năng nghe có thể diễn biến từ từ, tăng dần, ở cả 1 hoặc 2 bên tai; hoặc xảy ra rất đột ngột, người bệnh đang nghe bình thường đột nhiên thấy nghe kém (điếc đột ngột là một ví dụ). Trong cả 2 trường hợp, người bệnh cần đi khám bác sĩ tai mũi họng để xác định nguyên nhân nghe kém và có hướng điều trị thích hợp.