Máy bay chiến đấu F-16 lần đầu tiên gia nhập câu lạc bộ sở hữu tư nhân
Một doanh nghiệp của Mỹ mới đây đã thành công mua máy bay chiến đấu F-16 của Israel, đây là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới sở hữu máy bay huyền thoại này.
Theo chuyên mục War Zone trên trang Power của Mỹ, mới đây một chiếc máy bay chiến đấu F-16 mang số hiệu 78-0322 đã tiến hành bay thử, đây là chiếc F-16 đầu tiên trên thế giới thuộc sở hữu tư nhân.
Theo báo cáo, Top Aces, có trụ sở chính tại Canada, trước đó đã mua được một lô máy bay chiến đấu F-16 A/B từ Israel, và gần đây đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm chiếc máy bay đầu tiên, đây cũng là lần đầu tiên máy bay chiến đấu F-16 đã được bay bởi một công ty tư nhân.
Máy bay chiến đấu F-16 do Top Aces sở hữu. Nguồn: Huanqiu. |
Chuyến bay xuất phát từ sân bay Mesa Gateway ở bang Arizona. Công ty Top aces đang xây dựng “đại bản doanh” cho phi đội F-16 của mình, số lượng máy bay của phi đội này sẽ được mở rộng lên đến 29 máy bay.
Máy bay chiến đấu F-16A mang số hiệu 78-0322 đã tiến hành chuyến bay khoảng 1 giờ do phi công có biệt danh Billy Bob điều khiển. Bản thân chiếc máy bay chiến đấu này mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, từng tham gia trận không kích lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq do không quân Israel triển khai năm 1981 và từng bắn hạ một tiêm kích MiG-23 của Syria.
Theo báo cáo, Top aces có kế hoạch sử dụng phi đội máy bay chiến đấu của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội Mỹ trong việc huấn luyện chiến đấu không đối không. Nó sẽ hoạt động như một "kẻ xâm lược" và cung cấp các buổi huấn luyện cho Không quân, Hải quân Mỹ cũng như lực lượng Thủy quân lục chiến.
Không quân và hải quân Mỹ từng có nhiều đơn vị tiêm kích chuyên đóng vai đối thủ trong huấn luyện và diễn tập. Nhiệm vụ của các đơn vị này là giúp phi công nhận dạng đối thủ trong không chiến tầm gần, đồng thời mô phỏng tình huống tác chiến sát thực tế nhất có thể.
Tuy nhiên, chi phí vận hành quá cao khiến nhiều đơn vị "đóng vai địch" như vậy phải ngừng hoạt động, buộc quân đội Mỹ phải thuê các phi đội tư nhân thực hiện vai trò này.
Hiện tại, hầu hết các đối thủ của Top aces đều sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba, do vậy với việc được trang bị F-16, Top aces có thể đi đầu trong lĩnh vực huấn luyện tư nhân khi có thể mô phỏng thực tế hơn các mối đe dọa thực tế.
Airborne Tactical Advantage (ATAC), một trong các hãng cung cấp dịch vụ tiêm kích "đóng vai địch", sở hữu hơn 80 chiến đấu cơ, ngang ngửa lực lượng không quân nhiều nước trên thế giới. Công ty Top Aces đang có hơn 60 cường kích hạng nhẹ và tiêm kích, bao gồm 29 chiếc F-16A/B mua lại của Israel.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà thầu tư nhân cung cấp cho khách hàng dịch vụ huấn luyện không chiến bằng cách mua máy bay chiến đấu đã qua sử dụng. Vào tháng 3 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Australia cho biết, một nhà thầu quốc phòng tư nhân ở Mỹ hiện đang mua tới 46 máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Quốc phòng Australia khẳng định: "Các binh lính của Căn cứ Không quân Hoàng gia ở Williamstown sẽ cung cấp dịch vụ và chuẩn bị cho việc chuyển giao 46 máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet cho công ty có tên Air USA".
Công ty này là một trong những nhà thầu quốc phòng của Chính phủ Mỹ, chuyên cung cấp các dịch vụ huấn luyện chiến thuật cho các cơ quan quốc phòng Mỹ và quân đội nước ngoài.
Khám phá ‘lá chắn’ và ‘lưỡi dao’ của Israel trong xung đột với Palestine
Trong xung đột với Palestine, Israel đã kết hợp các chiến thuật tấn công, phòng thủ một cách linh hoạt thông qua việc sử dụng hai “át chủ bài” là Iron Dome và JDAM.
Đức Trí (lược dịch)