Mẫu thịt lợn chứa chất cấm chênh nhau 6 lần vì sao?
Mẫu thịt lợn chứa chất cấm chênh nhau 6 lần vì sao?
Đây là những nội dung gây nhiều tranh luận tại hội thảo Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm sáng 13/4.Theo Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng CESCON, trực thuộc Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, kết quả thử nghiệm tìm chất tạo nạc trong thịt heo do Trung tâm này thực hiện 2 đợt, số mẫu có tồn dư chất Beta Agonist 10/30 mẫu chiếm trên 33%, trong khi Cục Chăn nuôi đưa ra chỉ 5 - 6%. Con số này đã gây ra khá nhiều thắc mắc.
Thông tin thịt lợn có chất tạo nạc khiến người tiêu dùng hoang mang. Ảnh: PT |
"Phát hiện 10/30 mẫu nghiên cứu có tồn dư Beta Agonist chiến trên 33%. Con số cho thấy chất tạo nạc được sử dụng trong khu vực miền Nam là khá lớn", đại diện CESCON nói.
Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra số mẫu thịt nhiễm chất tạo nạc tại khu vực trung tâm thành phố cao hơn các chợ ngoại thành. Số lượng mẫu phát hiện có tồn dư Beta Agonist tại các chợ và cửa hàng khu trung tâm TP. HCM chiếm 90%.
Trong khi đó, tại các chợ khu vực ngoại ô chỉ chiếm 10%, nơi được cho là yếu kém về khâu quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giải thích về sự chênh lệch giữa các con số kết quả nghiên cứu tồn dư chất tạo nạc trong thịt giữa Cục Chăn nuôi và Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Kết quả đề tài đánh giá tồn dư chất tạo nạc của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng cao hơn Cục Chăn nuôi sở dĩ do hai phương pháp phân tích là khác nhau.
Cục Chăn nuôi sử dụng phương pháp định lượng áp dụng cho số mẫu, còn nghiên cứu của CESCON áp dụng phương pháp Elisa - Bioo.
"Hơn nữa nghiên cứu ở mỗi thời điểm khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau", ông Dương nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm kết quả khác nhau do hai phương pháp nghiên cứu TS. Tô Liên Thu, Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục thú y cho rằng: Sự chênh lệch nếu cùng tiến hành bằng một phương pháp mới cần phải suy nghĩ, nhưng đây là hai phương pháp.
Truy nguyên chất tạo nạc trong chuỗi thực phẩm được tiến hành từ khâu sản xuất thức ăn, trang trại chăn nuôi, vận chuyển lợn, giết mổ, cửa hàng bán (địa điểm bán), chế biến và cuối cùng là khâu người tiêu dùng.
“Hai chất tạo nạc Salbutamol, Clenbuterol trong nhóm chất Beta Agonist đều thuộc nhóm bị cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Hai chất này thường bị tích lũy trong thận, gan mỡ vật nuôi. Ở Việt Nam, hầu hết chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, không có kiểm soát chặt chẽ, người dân ở nước ta vẫn có thói quen sử dụng nội tạng lợn. Vì thế các chất này phải được tuyệt đối cấm sử dụng”. PGS. TS Phan Thị Sửu – Hội Khoa học kĩ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nói.
Thời gian qua, thông tin thịt lợn nhiễm chất tạo nạc gây xôn xao dư luận, nhiều người tiêu dùng bất an, tẩy chay thực phẩm trong bữa ăn gia đình dẫn đến tình trạng người chăn nuôi thua lỗ. Hiện giá lợn hơi đã giảm 15% (chỉ còn 47.000/kg) so với thời điểm trước khi thông tin về thịt lợn có chất độc tạo nạc công bố.
Ông Nguyễn Đăng Vang Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học – Công nghệ Quốc gia cho rằng ” Nếu cứ kéo dài tình trạng này trong vòng 6 tháng nữa người tiêu dùng sẽ khó mua thịt lợn. Chăn nuôi thua lỗ do giá giảm, ngay cả thịt lợn siêu nạc cũng chung cảnh không bán được khiến nhiều người chăn nuôi bỏ nghề đó chính là lý do thịt lợn sẽ khan hiếm trong thời gian tới”.
PGS. TS Nguyễn Đăng Vang "Cần phải thực hiện đánh giá thực phẩm theo chuỗi và truy suất nguồn gốc sản phẩm để quản lý đạt hiệu quả" Ảnh: PT |
PGS. TS Nguyễn Đăng Vang "Cần truy soát nguồn gốc sản phẩm để quản lý đạt hiệu quả" Ảnh: PTVề thông tin chất tạo nạc nằm trong chất SSI, một chất nằm trong danh mục được Bộ NNPTNT cho phép nhập khẩu vào VN, ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng: “Chất SSI được đăng ký từ năm 2005 đến nay đã được 7 năm. Trước hết cần phải tiến hành kiểm tra lại thông tin này một cách khẩn trương. Tiến hành kiểm tra cũng theo chuỗi thực phẩm, truy suất nguồn gốc xuất hiện ở doanh nghiệp nào, tìm hiểu xem đã phân phối đi những đâu cần thu hồi, niêm phong và đặc biệt là không được tẩu tán mới có thể đưa ra nguồn gốc rõ ràng. Tiếp đến đưa nguồn gốc vào phòng thử nghiệm được sự chỉ đạo của nhà nước để tiến hành kiểm tra và lấy kết quả đối chứng xử lý nghiêm minh”.
“Tất cả các sản phẩm nhập đều phải xem xét kĩ hồ sơ trước khi vào Việt Nam để có căn cứ truy suất khi có vấn đề xảy ra. Việc tiến hành kiểm tra không chỉ thực hiện ở cửa khẩu mà định kì, một lượng nhỏ các chất sẽ được chúng ta tự bỏ tiền ra phân tích lấy kết quả đối chiếu với kết quả bên xuất xem có đúng như giao nhận không. Phải luôn luôn giám sát để người có ý vi phạm cũng không dám”.
Phạm Thơm