Mạo hiểm lặn bắt thứ đặc sản hơn một chỉ vàng/kg ở Phú Quốc
Hải sâm đã qua sơ chế. |
Nghề nguy hiểm
Hải sâm bao gồm hải sâm đỏ, hải sâm trắng, đồn đột và áo tơi. Đây được coi là hải sản thượng hạng giàu chất dinh dưỡng và đắt đỏ nhất nhì trong thế giới hải sản cao cấp. Để có được những con hải sâm giàu chất dinh dưỡng, những ngư dân phải lặn xuống độ sâu 40-50 mét mới có thể bắt được nó.
Khi chúng tôi có mặt, anh Phương trú tại Bãi Thơm đang vội vàng vận chuyển, sơ chế số hải sâm mà anh và các anh em trong đoàn của mình đã thu hoạch được sau chuyến săn hải sâm kéo dài gần nửa tháng.
Mấy sọt hải sâm nhìn ít ỏi nhưng theo anh Phương nó có giá khoảng 150 triệu đồng. Tất cả số này anh sẽ bán cho thương lái với giá 300 đến 900 nghìn đồng/kg. Hải sâm đã được sơ chế khô, người thu mua sẽ xuất cho cơ sở khác tiến hành sấy khô thêm và tẩy trắng, bóc tách hết cát để trở thành món hải sâm bổ dưỡng.
Tại huyện đảo Phú Quốc, hải sâm đã qua chế biến có giá từ 3 đến 5 triệu đồng/kg. Anh Phương cho biết một con hải sâm có thể thay đổi khẩu vị của cả nồi canh to, hoặc nồi lẩu to. Hải sâm được bán chủ yếu để xuất khẩu chứ người dân trong vùng chẳng mấy người có điều kiện để thưởng thức món đặc sản biển này.
Một chuyến ra khơi của thợ lặn săn hải sâm kéo dài khoảng 10 đến 15 ngày. Thu nhập một chuyến chia trung bình khoảng 15 triệu đồng/người.
Để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi, những người lặn săn hải sâm chỉ cần trang bị bình ô xi và dây kéo các thiết bị lặn như kính, chì, dây bóng. Ngoài ra còn các thực phẩm cho cả đoàn và đá để bảo quản. Anh Phương kể một đoàn ra khơi khoảng 10 người trong đó chia nhau ra người lặn, người ở trên tàu lôi dây, người làm phụ trợ nấu nướng. Nếu không đúng nguyên tắc lặn biển có thể mất mạng. Các quy tắc của thợ lặn là không lặn dưới đáy biển khoảng quá 30 phút. Đến phút thứ 30 phút, dù thợ lặn có trúng hay không tìm được “ổ” hải sâm thì cũng phải bắt buộc kéo lên.
Đi săn... nhưng chẳng dám ăn
Hải sâm đã qua chế biến bán ở Phú Quốc. |
Ở dưới biển, con hải sâm dài khoảng 30 -40 cm và đường kính có con lên đến 20 cm. Khi bắt, người thợ lặn lấy phương tiện là vợt lưới. Con hải sâm khi bị bắt sun lại. Sau đó, họ moi lộn ruột lấy hết bùn đất, sơ chế sấy qua khiến con hải sâm hao đi chỉ còn bằng ngón chân cái.
Sau khi thu mua từ ngư dân, bà chủ hàng cho đổ đỉa biển vào những phuy nhựa khổng lồ mà theo bà này, sau khi sơ chế, phần thượng hạng sẽ xuất sang Trung Quốc, hàng dạt thì bỏ cho mối lái bán trong nước. Các sản phẩm bày bán có giá 3 đến 5 triệu đồng tại Phú Quốc không phải là hàng loại 1 vì theo bà chủ hàng loại này có giá gấp 2 – 3 lần như thế, tới hàng chục triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, cũng theo anh Phương, hải sâm bây giờ ngày càng hiếm. Đoàn đi lặn của anh có khi phải ra những vùng biển xa. Chính đây cũng là một nguyên nhân khiến giá hải sâm ngày càng đắt đỏ và luôn có xu hướng tăng thêm nhiều nữa.