Mạng xã hội - Một góc khác của cuộc chiến Ukraine
Tìm người thân lưu lạc
Trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine leo thang, các nhóm mạng xã hội ở các thị trấn, thành phố tại miền Đông Ukraine đang mang đến một bức tranh sinh động và chân thực nhất về tác động của xung đột đối với người dân. Những thành viên của cộng đồng mạng giúp đỡ nhau tìm người thân lưu lạc vì chiến sự.
Ảnh minh họa |
Tanya Sukharevskaya, 18 tuổi, đã đăng nhập vào trang Vkontakte, một biến thể của Facebook bằng tiếng Nga.
Tanya Sukharevskaya đã mất liên lạc với mẹ. Ba tháng trước, mẹ cô đã rời bỏ vùng quê cách đó 60 dặm để lên thành phố Debaltseve làm việc. Nhưng pháo kích lại xảy ra ở thành phố này khiến mọi người hoang mang tột độ.
"Tôi cố gắng bình tĩnh lại nhưng mẹ và cậu em 6 tuổi của tôi ngày nào cũng khóc”, Sukharevskaya đã viết như vậy trên diễn đàn "Overheard in Debaltsevo" của trang Vkontakte bằng tiếng Nga.
Cô đăng một bức ảnh cô chụp với mẹ - cả hai đang cười thật tươi với một bó hoa hồng và một chiếc bánh – và đưa tất cả những thông tin cô biết về nơi ở của mình với hy vọng có thể có manh mối về mẹ.
"Tôi chỉ muốn biết rằng mẹ tôi vẫn ổn", cô viết.
Sukharevskaya đã rất may mắn khi sớm nhận được phản hồi. Một thành viên đã khẳng định mẹ cô vẫn ổn. Và ngày hôm sau, mẹ của Sukharevskaya đã gọi điện cho cô. Bà vẫn đang ở Debaltseve nhưng đã bị cướp hết đồ đạc và không có các giấy tờ cần thiết để vượt qua các trạm kiểm soát tại các khu vực chiến sự.
Sukharevskaya đã yên tâm phần nào nhờ những thông tin này.
Không phải ai cũng may mắn như Sukharevskaya. Một thành viên nữ trong nhóm mạng xã hội ở Ukraine muốn biết thông tin về một người thân và nhận được câu trả lời bằng một bức ảnh về căn nhà bị phá hủy. Người thân của cô đã chết bên trong ngôi nhà đổ nát.
Các bài đăng trên các nhóm mạng xã hội thường có nội dung khiến mọi người cảm thấy đau lòng. Ở nhóm Typical Popasnaya, ngày 3/2 vừa qua, một người đàn ông cầu xin các thành viên cung cấp thông tin về người bà đã mất tích nhiều tuần qua. Một người khác gửi một thông tin về một nhóm người đang đói rét, đề nghị các cơ quan chức năng thành phố giúp đỡ nếu có thể.
Nhóm Svitlodarsk tràn ngập lời van xin các lái xe cho cha mẹ già của một thành viên đi nhờ sau khi họ bị bỏ lại trong lúc chính quyền Ukraine tiến hành sơ tán.
“Xã hội ảo” nhộn nhịp
Giữa những tranh cãi khốc liệt về chính trị, những người dân không quen biết trên mạng xã hội lại đang nỗ lực giúp đỡ lẫn nhau.
Ban đầu, các nhóm mạng xã hội này được tạo ra như những diễn đàn để buôn chuyện hay đùa cợt thì nay đã chuyển thành nơi cung cấp thông tin, chia sẻ, thể hiện cảm xúc và hỗ trợ lẫn nhau. Các thành viên đưa ra những bình luận, những góc nhìn về chiến sự.
Nhóm "Overheard in Svetlodarsk" được thành lập vào mùa Xuân năm ngoái. "Không còn là nơi đùa cợt, chúng tôi dần dần chuyển từ chủ đề bí mật đời tư đến chủ đề chiến sự," Marina Tsarevna, người quản trị nhóm cho biết.
Thị trấn Svitlodarsk ở Ukraine đã chìm vào bạo lực trong bối cảnh phiến quân tiến công Debaltseve, một trung tâm giao thông chính. Nhưng tại các địa điểm diễn ra chiến sự đều có các nhóm cộng đồng mạng xã hội hoạt động.
Khi nổ ra các vụ tấn công, người dân thường tham gia vào các nhóm để so sánh thông tin về nơi đạn cối rơi xuống. Họ chia sẻ thông tin về vụ pháo kích khiến họ mất ngủ và ngày hôm sau, họ sẽ cho nhau xem những bức ảnh về thiệt hại mà các vụ tấn công gây ra.
Đôi khi, họ tranh cãi liệu việc mô tả địa điểm diễn ra vụ tấn công có thích hợp hay không, vì nó có thể là gợi ý cho một cuộc tấn công trả đũa.
Các số điện thoại về nơi sơ tán, lời khuyên về cách sơ tán, những lời đề nghị đến ở nhà của người thân hoặc những ngôi nhà bỏ hoang và những câu hỏi về xung đột là chủ đề được nhắc tới trên “xã hội ảo”.
Một số thành viên đăng những bài thơ kêu gọi hòa bình, một số khác lại muốn tranh cãi phải được đi đến tận cùng.
Những người di cư tương tác với nhau qua mạng xã hội từ nơi ẩn náu. Một số cam kết trở về và xây dựng lại nơi mình sinh sống trước đây.
Maria Maksimova, 25 tuổi, một kỹ sư dân sự, người giúp quản lý một nhóm dành riêng cho các cư dân thành phố Popasna cho rằng cuộc xung đột đã chia rẽ mọi người nhưng lại cũng gắn kết họ.
"Nhiều người thực sự không còn quan tâm ai sẽ lãnh đạo đất nước. Họ chỉ muốn người ta dừng bắn giết nhau, đừng làm cho trẻ con sợ và đừng phá hủy nhà cửa nữa", Maksimova nói. "Đó là ý kiến chung của người dân. Ý kiến đó vẫn còn lưu trên diễn đàn”.
Nhóm mạng xã hội Typical Popasnaya của các cư dân của thành phố Popasnaya đã có 65.015 lượt người truy cập trong 30 ngày qua, gấp ba lần dân số của thành phố trước khi diễn ra xung đột.
Lượng truy cập vào trang web tăng lên cùng với độ nóng của chiến sự, và các quản trị viên phải cố gắng hết sức để duyệt tất cả các bài viết và cấm những người dùng nói bậy hoặc vi phạm quy tắc ứng xử.
Khi chiến sự càn quét Popasna trong những ngày gần đây, số lượt truy cập vào nhóm đã tăng từ con số dưới 10.000 lên hơn 84.300.
Chị Maksimova đi sơ tán vào năm ngoái thì nay đã tìm đến với người thân ở Kharkiv. Nhiều người khác cũng rời khu vực sơ tán, và rời bỏ các nhóm trên mạng xã hội.
“Ngày càng ít nhân chứng có thể cung cấp thông tin, nhưng như thế lại tốt vì điều đó có nghĩa là ngày càng ít người ở lại khu vực chiến sự để phải chịu đạn pháo”, Maksimova nói.