Mai vàng Yên Tử khoe sắc cùng Anh đào xứ Phù tang
Vẻ đẹp của mai vàng Yên Tử là sự hội tụ tinh hoa của vùng đất linh thiêng |
Cùng với Anh đào - quốc hoa xứ Phù tang, sự có mặt của mai vàng Yên Tử, đã tạo nên điểm mới, ấn tượng cho lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân địa phương, bạn bè trong nước và quốc tế tới tham quan...
Mai vàng trên đất thiêng
Nằm trong dãy núi Đông Triều, Yên Tử là đỉnh cao nhất trong các ngọn núi ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây là vùng đất tâm linh, là “cái nôi” hình thành nên thiền phái Trúc Lâm. Trên chốn non thiêng Yên Tử lạnh giá này, ở độ cao đến 1.000 mét so với mực nước biển, cây mai được phát hiện như một khám phá đầy bí ẩn…
Tương truyền rằng, thế kỷ XIII, sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, Ngài đã cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, những cây mai đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn. Khảo sát của các chuyên gia từ năm 2009 cho thấy, rừng mai vàng ở Yên Tử có những cây cao hơn 15m, thân gân guốc, đường kính tới 60 - 70cm, sinh trưởng mạnh mẽ trên vách đá cheo leo. Đặc biệt trên núi Yên Tử đã có những cây mai hơn 700 tuổi, được gọi với cái tên đầy trân trọng “Đại lão mai vàng Yên Tử”.
Vẻ đẹp của mai vàng Yên Tử là sự hội tụ tinh hoa của vùng đất linh thiêng |
Theo tiến sĩ Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, đặc điểm của cây mai vàng Yên Tử này là hình thái bên ngoài, mức độ phân bố hoa nhiều hơn, trên một cành có nhiều hoa hơn, từ gốc cho đến ngọn, có mùi thơm rất nhẹ nhàng, thanh khiết. Mai vàng Yên Tử có nguồn gốc từ rất lâu đời, vài trăm năm rồi, cho nên giả thiết của một số người đưa ra cây mai này xuất phát từ đời Trần Nhân Tông là hoàn toàn có lý, ông Đông nói.
Mai vàng Yên Tử được khẳng định là cùng họ với mai vàng miền Nam và là một loài quý hiếm. Cũng sắc vàng, bông lớn, nhưng giống mai xứ Bắc lại có vẻ đẹp riêng, 5 cánh xòe rộng, lộc xanh chứ không đỏ, có mật cho ong hút và đặc biệt, trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương thanh khiết. Mai vàng Yên Tử càng trở nên quý hơn bởi sống trong rừng già đầy sương gió, có sức sống bền bỉ, kiên cường. Ngày xuân, cả rừng hoa nở rộ, nhìn xa như tấm áo cà sa vàng rực phủ lên non thiêng, mang vẻ đẹp nhân văn và giá trị tâm linh gắn với thiền phái Trúc Lâm đầy sâu sắc, ý nghĩa.
Vẻ đẹp và giá trị của mai vàng Yên Tử là sự hội tụ tinh hoa của vùng đất linh thiêng, nơi có đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để làm nên sự đặc biệt của sản phẩm này. Khu vực địa lý bao gồm xã Thượng Yên Công, phường Phương Đông, phường Vàng Danh, phường Bắc Sơn, phường Quang Trung, phường Thanh Sơn thuộc thành phố Uông Bí; xã Tràng Lương, xã Bình Khê thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài các yếu tố tự nhiên thì các bí quyết trong việc nhân giống, chăm sóc cây cùng với thái độ nâng niu trân trọng sản phẩm của người dân tại khu vực địa lý đã tạo nên giá trị đặc biệt của mai vàng Yên Tử. Anh Phạm Văn Quy, BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử, người đã trực tiếp trồng và chăm sóc mai vàng Yên Tử cho biết, đầu tiên lên trên rừng lấy giống ở Đại lão mai vàng nhân giống trước, rồi ra ngoài lần tìm những cây mai thất thoát ở các hộ dân mang về. Đến nay diện tích bảo tồn khoảng 10 hecta, trồng ở trạm 1 và ngay chùa Trình, điểm đến thu hút hàng vạn người. Ngoài ra, mai còn được khuyến khích trồng tại các hộ dân dưới chân núi non thiêng từ thành phố Uông Bí sang tới huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Với công nghệ mới, thay vì nở vào tháng 2 Âm lịch, dịp trảy hội xuân Yên Tử, mai vàng đã có thể nở vào đúng dịp Tết, đáp ứng nhu cầu chơi hoa ngày xuân.
Mai vàng Yên Tử khoe sắc cùng hoa anh đào đã thu hút được đông đảo người dân đến tham quan |
Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Uông Bí, Chủ tịch Hội mai vàng Yên Tử khẳng định, hiện nay dự án đang bảo tồn và phát triển, đưa mai vàng Yên Tử trở thành cây thương mại. Khi trồng chăm sóc tốt thì 3-5 năm mai mới cho hoa nên trong một vài năm tới chắc chắn sẽ có mai vàng Yên Tử thương mại để đáp ứng nhu cầu tâm linh, văn hóa của nhân dân”.
Ông Nguyễn Trung Hải cho biết: Chính vì sự quý hiếm và khác biệt đó, mai vàng Yên Tử đã được nhà nước công nhận là Chỉ dẫn địa lý. Việc nhà nước ghi nhận mai vàng Yên Tử là Chỉ dẫn địa lý có nghĩa là mai vàng Yên Tử trở thành tài sản quốc gia, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề không chỉ với chính quyền địa phương mà cả với chúng tôi, những người vừa với tư cách là Ban quản lý rừng quốc gia Yên Tử vừa với tư cách là Hội Mai vàng Yên Tử".
Khoe sắc cùng hoa anh đào
Năm 2016 là năm thứ 4 tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ hội hoa anh đào. Khác với mọi năm, du khách chỉ bắt gặp hình ảnh hoa anh đào thì năm nay đã có thêm sự xuất hiện mai vàng Yên Tử trong lễ hội. Lần đầu tiên được giới thiệu với bạn bè quốc tế trong một lễ hội hoa lớn, 60 cây mai vàng Yên Tử với vẻ đẹp kiêu sa, quý phái, muôn phần rực rỡ của mình đã "nhuốm vàng" cả một vùng, khoe sắc cùng 80 cây hoa anh đào của Nhật Bản.
Ông Nguyễn Trung Hải cho biết, thời điểm mai vàng Yên Tử nở rộ nhất là tháng 3 và 4, tùy vào thời tiết lạnh hay ấm mà thời gian hoa nở dài ngắn khác nhau nên đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh mai vàng, sản phẩm độc đáo của du lịch Yên Tử đến với nhân dân Nhật Bản và khách du lịch.
Mai vàng Yên Tử khoe sắc cùng hoa anh đào đã thu hút được đông đảo người dân đến tham quan |
Năm nào bạn Phạm Mai Phương, sinh viên Trường cao đẳng kinh tế Hải Dương cũng không bỏ qua cơ hội tham quan Lễ hội hoa anh đào. Đến lễ hội lần này, Mai Phương khá bất ngờ trước sự xuất hiện của mai vàng Yên Tử. Mai Phương chia sẻ, hoa anh đào năm nay nhiều hơn rất nhiều và đẹp hơn hẳn so với mọi năm. Thế nhưng ấn tượng hơn của lễ hội lần này là có thêm hoa mai vàng Yên Tử…
Có lẽ bị cuốn hút không chỉ bởi vẻ đẹp của quốc hoa xứ Phù tang mà còn có cả loài hoa trên đỉnh núi thiêng, khi hoa anh đào và mai vàng Yên Tử vừa được đưa trưng bày tại Quảng trường 30 tháng 10, đã có đông đảo người dân địa phương, khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Chị Nguyễn Phương Nhung, ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long chia sẻ, đây là lần thứ tư chị đi xem lễ hội. Năm nay lễ hội có thêm cây mai vàng Yên Tử và nhiều hoạt động văn nghệ hấp dẫn nên cả gia đình đều háo hức.
Anh Nguyễn Hoàng Chung, du khách đến từ Bắc Giang đến cho biết, năm nay hoa anh đào được chuẩn bị, chăm sóc rất kỹ nên hoa rất đẹp, cùng với đó là hoa mai vàng Yên Tử cũng được các nghệ nhân chăm chút khéo léo.
Tại lễ hội lần này còn có khoảng 160 gian hàng trưng bày, giới thiệu bán các sản phẩm du lịch, thương mại, văn hóa, ẩm thực, thời trang, hàng gia dụng, tạp hóa, lưu niệm, sinh vật cảnh... của Việt Nam và Nhật Bản. Trong không khí tưng bừng của lễ hội, du khách có cơ hội được hòa mình trong điệu múa điêu luyện mà truyền thống yosakoi, biểu diễn cosplay, lắng nghe những giai điệu nhạc thân quen, tươi mới từ những ca sỹ nổi tiếng trong nước, Nhật Bản và trên thế giới.
Nhiều hoạt động khác diễn ra trong khuôn khổ lễ hội như: Hội nghị hợp tác xúc tiến và đầu tư phát triển về du lịch, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản với sự tham gia của một số quan chức Chính phủ Nhật Bản, một số bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp; Triển lãm giới thiệu di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và một số trò chơi dân gian của Việt Nam và Nhật Bản; tổ chức cho đoàn đại biểu Nhật Bản tham quan vịnh Hạ Long...
Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016 vừa khép lại. Đây thực sự là hoạt động văn hóa đầy màu sắc dành cho người dân, du khách và là cơ hội quảng bá mảnh đất, con người Quảng Ninh đến với người dân đất nước Nhật Bản và du khách quốc tế.
TRẦN VĂN/ANHP.vn