Mắc chứng bệnh khó nói, cô gái trẻ không dám lấy chồng
Mắc chứng viêm bàng quang mãn tính, vài phút lại phải vào nhà vệ sinh khiến Nga luôn tự ti, thậm chí đến giờ 29 tuổi cô vẫn chưa nghĩ tới việc lập gia đình
Mặc cảm tự ti vì lệ thuộc nhà vệ sinh
Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) đang làm nhân viên văn phòng kể về căn bệnh khó nói của mình. Từ 4 năm nay, Nga thường xuyên bị chứng mót đi tiểu, lúc nào cũng chỉ muốn lao nhanh vào nhà vệ sinh.
Vì đi tiểu nhiều lần, Nga sợ uống nước thì lại gây đi tiểu buốt. Có lúc, cô mệt mỏi chẳng muốn làm việc. Chuyện lệ thuộc vào nhà vệ sinh cũng khiến Nga tự ti. Mẹ cô mua nhiều thuốc nam, thuốc bắc cho cô uống nhưng cũng chỉ được 1,2 tháng lại quay trở lại chứng đi tiểu nhiều lần. Nga đi bệnh viện khám bác sĩ cho biết cô bị viêm bàng quang mạn tính.
Hay trường hợp của chị Nguyễn Lan Anh (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc chứng đại tràng kích thích. Chỉ cần ăn một thứ thức ăn lạ, uống cốc nước lạ ngay lập tức chị Lan Anh phải chạy vào nhà vệ sinh. Cảm giác lệ thuộc quá nhiều vào nhà vệ sinh khiến chị suy sụp tinh thần, làm việc cũng không hứng thú. Đặc biệt, bạn bè rủ đi ra ngoài ăn chị cũng e ngại mà luôn mang thực phẩm mình tự nấu vì ăn món lạ chỉ 5 phút sau là đại tràng kích thích đau bụng.
Ảnh minh hoạ. |
Theo TS. BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Tiết niệu và Nam học, BV E Hà Nội, các trường hợp trên là mắc hội chứng phụ thuộc nhà vệ sinh.
BS Liên từng điều trị cho nam bệnh nhân 30 tuổi ở Hà Nội. 10 năm trước, anh bị rối loạn tiểu tiện. Trước đây, tần suất đi tiểu khoảng 1-2 tiếng/lần, sau đó, tăng lên với mức độ dày hơn khoảng 15 phút/lần.
Thời gian gần đây, T. bị ảnh hưởng tâm lý, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, dẫn đến tình trạng sụt cân. Thậm chí, người này còn phải nghỉ việc và không dám lấy vợ.
Đây là một hội chứng lâm sàng phong phú với bệnh cảnh phải đi tiểu hay đi ngoài nhiều lần, hoặc phải mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh. Hội chứng tuy không gây chết người nhưng gây tổn hại nghiêm trọng công việc, sinh hoạt,… và làm suy sụp tinh thần bệnh nhân.
Nguyên nhân gây bệnh
Các trường hợp này, nguyên nhân theo bác sĩ Liên là do các bệnh lý. Ví dụ như bệnh lý hệ tiết niệu: U tuyến tiền liệt gây bí tiểu, tiểu khó; viêm bàng quang cấp hay mạn, viêm bàng quang kẽ; bàng quang thần kinh; viêm tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo.
Bệnh lý đại – trực tràng, hậu môn: Hội chứng rối loạn hấp thu ở ruột non hay đại tràng; hội chứng đại tràng kích thích, viêm đại tràng do lỵ vi khuẩn hoặc amip; Polyp đại – trực tràng, viêm trực tràng chảy máu do xạ trị,..
Ngoài ra, chế độ ăn uống mất vệ sinh, thiếu khoa học, uống nhiều đồ uống lợi niệu: Bia, đồ có ga, ăn nhiều mỡ, đồ ăn ôi thiu, đồ ăn gây dị ứng, rối loạn hấp thu cũng làm gia tăng hội chứng này.
Một số bệnh nhân mắc hội chứng do tâm lý.
Bệnh nhân thường có các dấu hiệu như buồn đi tiểu nhiều lần trong ngày: tiểu rắt, tiểu đêm có thể kèm theo tiểu khó, tiểu buốt, tiểu đục,…
Buồn đi ngoài nhiều lần trong ngày: Đi ngoài nhiều lần trong ngày kiểu mót rặn, có thể kèm đau bụng quặn, cơn. Phân mỗi lần đi ngoài loãng kiểu tiêu chảy hay phân nát, có nhầy mũi, mủ - máu; số lượng phân ít một hay toàn nước,…Đi ngoài lâu, phải rặn gắng sức do bị táo bón, đi tiểu lâu hết do tiểu khó, bí tiểu. Bệnh nhân còn bị đau tức hạ vị, đau bụng quặn cơn,…
Người bệnh thường suy kiệt, mệt mỏi. Tính tình hay cáu gắt, biểu hiện khó chịu, lo lắng khi phải làm việc một chỗ, trước đám đông,…
Để điều trị bệnh, theo bác sĩ Liên cần điều trị theo nguyên nhân. Giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng. Một số phương pháp nội khoa kết hợp vật lý trị liệu, tâm lý học. Một số ca phải can thiệp ngoại khoa khi có nguyên nhân tắc nghẽn bài xuất phân, nước tiểu,…
Về lâu dài, người bệnh cần thay đổi thói quen và lối sống:
Nếu rối loạn tiểu tiện: Kiêng đồ uống gây lợi tiểu hay mất ngủ, đồ chứa chất kích thích như cafein, chè, coca,..
Nếu rối loạn đi ngoài: Kiêng đồ ăn chứa nhiều chất tanh, mỡ,… tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ,…
Có chế độ ăn, uống lành mạnh tránh kích thích đại – trực tràng, hậu môn hay bàng quang, niệu đạo. Hướng dẫn trẻ em biết vệ sinh cơ quan sinh dục sau khi đi tiểu, vệ sinh hậu môn sau khi đi ngoài.
Muốn thoát khỏi sự hành hạ của hội chứng phụ thuộc toilet cần phải đến các trung tâm tiết niệu, đại trực tràng - hậu môn để được tư vấn và tìm phương pháp điều trị - BS Liên khuyến cáo.
Khánh Chi