Ly hôn rồi vẫn bị chồng cũ bạo hành
Xã hội ta hiện nay, nhiều người đã thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ trong đời sống gia đình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít những vụ bạo hành mà ở đó, phụ nữ là nạn nhân. Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một câu chuyện về bạo hành phụ nữ ở tỉnh Bắc Giang, đó là câu chuyện buồn, cho thấy một thực tế mà rất nhiều phụ nữ ở nước ta hiện nay vẫn gặp phải.
Một phụ nữ là nạn nhân của tỉnh trạng bạo hành trò chuyện với PV |
Chị Vũ Thị Hải, thôn Tiêu, xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang ly hôn chồng được hơn năm nay nhưng vẫn thường xuyên chịu sự bạo hành từ người chồng cũ. Chị Hải và 2 người con hiện đã dọn về ở nhờ nhà mẹ đẻ.
Khi được hỏi về nguyên nhân gia đình tan vỡ, không dấu diếm, chị Hải tâm sự: “Chồng em hay mải chơi, cứ bạn bè, rượu chè rồi nhiều khi cứ đánh đập rất vô cớ. Em cam chịu rất nhiều. Lần đánh trước giám định 10-11% (thương tật-PV). Nếu mình cố tình đâm đơn kiện thì chồng em chắc sẽ phải chịu trừng trị của pháp luật, nhưng em nghĩ đến hai cháu. Bây giờ mình đem đơn kiện để bố đi tù thì sợ sau này hai đứa lớn lên sẽ hận mình”.
Kể về quãng thời gian vợ chồng chung sống, những trận đòn chí tử từ người chồng đã ám ảnh chị Hải đến tận ngày hôm nay. Ngay cả trước mặt con cái, bố mẹ vợ, chồng chị sẵn sàng sỉ nhục, đánh đập chị thậm tệ. Chị làm nghề may có tiếng ở thành phố Bắc Giang, thu nhập ổn định. Hàng tháng tần tảo, chị không phụ thuộc kinh tế vào chồng, một mình cáng đáng, lo cho con cái và chăm chút ngôi nhà riêng. Kể cả như thế, chị vẫn chịu sự hành hạ từ người chồng.
Cách đây mấy năm, chị xin đi lao động xuất khẩu ở Nhật (mà theo chị, đó như một sự chạy trốn, giải thoát), thời điểm đó, chồng chị ngang nhiên dẫn bạn gái về chung sống như vợ chồng. Hết thời hạn lao động xuất khẩu, chị về nước. Lúc này chị đã không còn có thể bước chân vào ngôi nhà do chính mình gây dựng. Thương con, bố mẹ già lại đón mẹ con chị về.
Kể về người con rể, bà Thành, mẹ chị Hải ấm ức: “Cách đây mấy năm con rể đánh con gái phải đi viện. Tôi còn đưa cả lên đài phát thanh truyền hình Bắc Giang đấy. Ở Đài vẫn lưu cái ảnh to mà mặt con bé bị nó đánh tím hết mặt mũi đấy. Phải khâu bên trong là 25 mũi, bên ngoài khâu mười mấy mũi. Tôi phải đưa con xuống viện nằm một tháng trời”.
Tình trạng phụ nữ bị bạo hành không phải là phổ biến, nhưng cũng không ít ở Bắc Giang. Để giúp những người phụ nữ đêm hôm có chốn nương thân khi bị bạo hành, các cấp chính quyền cơ sở ở Bắc Giang đã có sáng kiến làm nhà lánh nạn. Theo thống kê, cả tỉnh Bắc Giang có 39 ngôi nhà được dựng lên với mục đích này. Sự tồn tại của những ngôi nhà như vậy lại càng cho thấy rõ bức tranh về nạn bạo hành phụ nữ, dù tổ hòa giải, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và nhiều tổ chức chính trị, xã hội đã vào cuộc tích cực.
Chị Nguyễn Thị Kim, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Tiêu, xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang nói: “Chị em phụ nữ người ta nhịn lắm, trong nhà đánh nhau người ta cũng không dám nói đâu. Khi nhà bên cạnh họ nói chuyện đến tai mình thì mình sẽ gặp hội viên để tâm sự, ví dụ như: mỗi người mỗi tính mỗi nết, mình cần lựa để cho con cái nó yên tâm, nếu con cái thấy bố mẹ cãi nhau thì chúng sẽ không vui. Nhưng thực ra nhiều trường hợp cũng khó, họ không nghe hoặc nghe ít lắm”.
Người dân Bắc Giang hẳn chưa quên câu chuyện Đào Văn Tuyến, ở huyện Yên Dũng hành hạ vợ rồi nhốt vào chuồng chó hồi cuối năm 2007. Nguyên nhân do Tuyến thường xuyên bài bạc, rượu chè khiến vợ chồng hay xảy ra cãi vã. Sau một lần uống rượu, Tuyến đòi quan hệ với vợ nhưng không được đồng ý. Tức mình, Tuyến đánh đập, lột quần áo vợ rồi nhốt vào chuồng chó. Phải đến khi cơ quan chức năng địa phương đến can thiệp Tuyến mới chịu thả vợ ra. Tuyến đã bị khởi tố về tội làm nhục người khác.
Là tổ chức Hội có chức năng bảo vệ quyền phụ nữ, bà Đặng Thị Lệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang chua xót: “Thực trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, theo nắm bắt từ cơ sở Hội, chúng tôi thấy là tình trạng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng thực tế rất khó có một con số thống kê chính xác bởi vì gia đình xảy ra bạo lực người phụ nữ rất khó nói, rất ngại ngùng nói ra bên ngoài. Do đó họ không dám mạnh dạn để nói ra sự thực về vấn đề bạo lực ở trong gia đình mình”.
Một điều ai cũng có thể dễ dàng nhận ra đó là những thương tổn mà nạn nhân bị bạo hành phải chịu đựng, nhất là phụ nữ. Họ đang phải chịu một loạt các vấn đề sức khỏe và thu hẹp khả năng tham gia vào đời sống xã hội. Đau đớn là vậy nhưng không phải ai cũng dám đứng lên kêu cứu và đòi quyền bình đẳng của nữ giới. Nhiều phụ nữ bị bạo hành chưa từng kể với ai về hành vi bạo lực của chồng hay tìm đến bất kỳ cơ quan tổ chức nào để nhận sự giúp đỡ. Rào cản lại chính từ phía nạn nhân.
P/s: Tên nhân vật bị bạo hành đã được thay đổi
Nguồn VOV