Lý do hàng loạt xe sang đắt tiền bị 'bỏ quên' ở cảng
Hải quan liên tục nhắn tìm chủ xe
Một vài tháng trở lại đây, các đơn vị thuộc Cục Hải quan Hải Phòng liên tục thông báo tìm chủ nhân của những chiếc ô tô đắt tiền đã cập cảng nhiều năm nay và đề nghị đến làm thủ tục thông quan. Đáng chú ý, không ít trong số đó là những chiếc xe thuộc hàng siêu sang, giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Điền hình như mới đây ngày 30/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (thuộc Cục Hải quan Hải Phòng) đã ra thông báo tìm chủ cho 2 chiếc xe hạng sang của Mercedes-Benz bao gồm một chiếc chiếc GLS 63 và một chiếc SUV "hàng hot" Mercedes-AMG G63.
Theo tìm hiểu, chiếc Mercedes-Benz GLS 63 hiện đang được lưu giữ tại cảng Nam Hải Đình Vũ, TP. Hải Phòng, trong khi chiếc Mercedes-AMG G63 cập cảng container quốc tế Tân Cảng và hiện đang lưu giữ tại cảng Nam Hải Lê Chân.
Hai chiếc xe này được đưa về cảng từ tháng 10/2018, nhưng đến nay, đã gần 5 năm trôi qua vẫn chưa có cá nhân hay doanh nghiệp nào đến nhận. Đặc biệt, mẫu siêu SUV Mercedes-AMG G63 được giới chơi xe rất ưa chuộng trong vài năm trở lại đây, có giá không dưới 10 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) đã phát đi thông báo tìm chủ sở hữu của chiếc xe hạng siêu sang Rolls-Royce Cullinan, số VIN: SCATF2108NU212867. Chiếc siêu xe này hiện đang được lưu kho tại cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng từ tháng 7/2022.
Theo thông tin từ phía cơ quan hải quan, bên gửi hàng là Công ty Hollman International (Đức), bên nhận là Công ty CP Đầu tư ASC, trụ sở ở BT02-09 KĐT Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đây cũng là mẫu xe hạng siêu sang được các đại gia Việt đặc biệt ưa chuộng, có giá bán trên thị trường khoảng 40 tỷ đồng. Thế nhưng không rõ vì lý do gì, "viên kim cương" này vẫn bị chủ nhân bỏ lại cảng hàng năm trời.
Thực tế cho thấy, việc những chiếc xe sang, thậm chí siêu xe có giá lăn bánh đến vài chục tỷ đồng nhập khẩu về nước nhưng bị chủ nhân "bỏ rơi" ở cảng đã không còn quá hiếm gặp. Số phận của những chiếc xe này sau đó khá "lận đận" theo nhiều cách khác nhau.
Đầu năm 2022, tại Đà Nẵng, một chiếc xe Lamborghini Huracan LP610-4 Spyder từng bị "bỏ quên" ở cảng Tiên Sa, cũng được cơ quan hải quan đăng tìm thông tin chủ xe. Chiếc xe này được nhập khẩu về Việt Nam theo đường quà biếu, tặng từ một công ty tại Hong Kong.
Tuy nhiên, phải sau đó gần nửa năm đại diện chủ xe mới đến cơ quan hải quan làm việc. Do khó khăn về thủ tục nhập khẩu, sau đó, bên được tặng tại Việt Nam đã đã xin tái xuất chiếc siêu xe.
Còn hồi năm 2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) cũng thông báo tìm chủ nhân hàng loạt siêu xe Ferrari, Lamborghini do "bỏ quên" tại cảng Đình Vũ. Sau thời gian quy định, không có người đến nhận, Cục Hải quan Hải Phòng đã phải tổ chức đấu giá những xe sang này, giá khởi điểm từ 1,3-3,5 tỷ đồng.
"Bỏ của chạy lấy người"?
Dù chưa thể kết luận nguyên nhân khiến chủ xe sẵn sàng bỏ rơi những "kiện hàng" giá trị cả chục tỷ này, nhưng giới kinh doanh ô tô hạng sang nhập khẩu cho rằng, lý do chủ yếu đến từ việc các Bộ ngành siết chặt hơn đối với mặt hàng xe ô tô dạng quà biếu, tặng để đảm bảo không khai gian giá trị nhập khẩu, chống trục lợi từ hình thức này.
Anh V.H. - một người có kinh nghiệm trong giới nhập khẩu xe sang tại Hà Nội cho biết, từ năm 2022, ngành Hải quan và Thuế siết chặt việc quản lý ô tô nhập khẩu về Việt Nam theo diện quà biếu tặng. Số lượng xe sang nhập về theo diện này chiếm số lượng khá lớn, nhưng do vi phạm về quy định nhập khẩu nên nhiều chủ hàng hiện muốn lấy mà không được, đành "bỏ của chạy lấy người".
"Có 2 đường chính để xe siêu sang về nước là qua biếu tặng và nhập khẩu chính hãng. Những xe bị kẹt ở cảng hiện nay đều là từ năm ngoái, trước thời điểm bị siết chặt. Một số xe nhập về sẽ được đăng ký biển ngoại giao nhưng số lượng rất hạn chế, số còn lại đành phải nằm chờ để giới buôn xe tìm khách nước ngoài để bán lại, đây chính là lý do chính khiến nhiều xe đang bị tồn lại cảng", anh H. nhận định.
Theo chia sẻ của anh H., để có thể thông quan các loại xe này tại Việt Nam, bên nhận phải khai báo lại với cơ quan Hải quan và phải nộp nhiều thuế phí như thuế nhập khẩu (50-70%), thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên giá trị xe (đã tính cả thuế nhập khẩu, từ 40-150% tuỳ loại xe), thuế giá trị gia tăng (10% trên tất cả các loại thuế phí trên và giá trị xe cộng lại). Ngoài ra còn có thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ, phí cấp biển số,...
"Thuế, phí các loại phải đóng có thể gấp 3-4 lần giá trị ban đầu của chiếc xe, đẩy giá bán lên rất cao, thậm chí cao hơn nhiều xe bán chính hãng. Thế nên hầu như giới nhập xe phải chờ xem có khách mua và đặt cọc hay không mới dám đến làm thủ tục, còn không sẽ buộc phải tái xuất hoặc thậm chí chấp nhận bỏ xe", anh H. nói.
Ngoài ra, anh H. cũng thẳng thắn chia sẻ, không loại trừ khả năng các đơn vị nhập khẩu sau nhiều năm dịch bệnh Covid-19 đã kiệt quệ, không thu xếp được nguồn tiền để nộp thuế phí; thậm chí một số doanh nghiệp đã phá sản hoặc vướng vào vòng lao lý,...
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, những chiếc xe sang này nếu quá thời gian lưu kho tại cảng là 90 ngày sẽ buộc phải đem đấu giá để xung công quỹ theo quy định. Việc đấu giá sẽ được công bố công khai thời gian và mức khởi điểm.
“Để xác lập được giá khởi điểm khi đấu giá, chúng tôi phải thành lập Hội đồng thẩm định giá gồm lãnh đạo Cục Hải quan, Sở Tài chính,… và có tham khảo của một số đơn vị thẩm định giá độc lập dựa trên hiện trạng tài sản. Giá bán những chiếc xe này đã bao gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, người mua xe chỉ cần nộp lệ phí trước bạ và làm thủ tục đăng ký xe tại Việt Nam”, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng chia sẻ thêm.
Hoàng Hiệp