Lũ ít về, thủy điện không tích nước, mùa kiệt 2020 Đà Nẵng sẽ ra sao?
Trao đổi với PV Infonet trưa 14/11, TS Lê Hùng (chuyên sâu về lĩnh vực vận hành hồ chứa, thuộc Khoa Xây dựng thủy lợi, thủy điện – Đại học Bách khoa Đà Nẵng) lo lắng đặt vấn đề: Nguồn cung cấp nước cho Đà Nẵng sẽ ra sao trong mùa kiệt năm 2020, nếu trong hơn 1 tháng mùa mưa còn lại của năm 2019 không có lũ về các hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương (nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam)?
Mực nước hồ thủy điện A Vương từ ngày 1/10 đến ngày 13/11/2019... |
Dựa trên số liệu công bố của hồ A Vương và sông Bung 4 trên trang web dữ liệu các hồ chứa thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TS Lê Hùng cho hay, tại hồ A Vương, mực nước ngày 1/10 là 343.36m và mực nước ngày 13/11 là 348.46m.
“Như vậy sau gần 1 tháng rưỡi mùa lũ, hồ A Vương chỉ tích trữ khoảng 5.2 m cột nước (tương đương 25.45 triệu m3), trong khi tổng lượng dòng chảy đến hồ từ 1/10 đến 13/11 là khoảng 104.6 triệu m3/s, lượng nước xả phát điện khoảng gần 80 triệu m3!” – TS Lê Hùng cho hay.
Ông Hùng cũng cho biết, theo quy định thì mực nước trước lũ tại hồ thủy điện A Vương ở cao trình 376m. Như vậy, để đạt được mực nước này thì hồ A Vương còn thiếu khoảng 189.94 triệu m3. Còn muốn tích đến mực nước dâng bình thường 380m vào cuối mùa lũ thì hồ này thiếu khoảng 225 triệu m3.
Đối với hồ thủy điện Sông Bung 4, TS Lê Hùng cho hay, mực nước ngày 1/10 là 207.35m và mực nước ngày 13/11 là 211.07m. Như vậy trong khi tổng lượng dòng chảy đến hồ từ ngày 1/10 đến 13/11 khoảng 187.96 triệu m3 thì thủy điện Sông Bung 4 chỉ tích trữ khoảng hơn 3.72 m cột nước (tương đương 42.85 triệu m3), còn lượng nước xả phát điện lên tới gần 145.46 triệu m3.
“Theo quy định thì mực nước trước lũ tại hồ thủy điện A Vương ở cao trình 217.5m. Để đạt mực nước này hồ Sông Bung 4 còn thiếu khoảng 85.85 triệu m3. Còn muốn tích đến mực nước dâng bình thường 222.5m vào cuối mùa lũ thì hồ này còn thiếu khoảng 164 triệu m3” – TS Lê Hùng nói.
Và mực nước hồ thủy điện Sông Bung 4 từ ngày 1/10 đến ngày 13/11. |
Theo ông, trong bối cảnh thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy nước sông Vu Gia chuyển gia sông Thu Bồn để tối ưu hóa lợi ích phát điện của mình, thì hai hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 là nguồn nước chủ lực cung cấp cho TP Đà Nẵng phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và đẩy mặn, đặc biệt là trong mùa kiệt.
Nếu trong thời điểm mùa lũ năm 2019 mà hai hồ A Vương và Sông Bung 4 này không trữ được đủ nước thì 8 tháng mùa kiệt sắp tới của năm 2020, sẽ rất nguy cho Đà Nẵng cũng như các địa phương của Quảng Nam ở hạ lưu sông Vu Gia.
Tuy nhiên, mùa lũ năm nay nguồn nước về hai hồ này không nhiều. Trong khi đó, theo các số liệu được chính hai thủy điện này công bố thì họ đang dồn phần lớn nguồn nước đó để phát điện hơn là tích nước để chủ động ứng phó với mùa kiệt năm sau.
“Năm 2019 chỉ còn lại hơn 1 tháng mùa mưa, đặc biệt lưu vực sông Bung hay A Vương nằm trong vùng ít mưa nhất trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn. Vì vậy chúng tôi rất mong 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 có kế hoạch tích nước trong 1 tháng còn lại để có đủ nguồn nước sẵn sàng điều tiết cho mùa kiệt năm sau!” – TS Lê Hùng lo lắng nói.
Đáng chú ý, ông Hùng cũng cho biết, quy định vận hành liên hồ chứa ban hành theo Quyết định 1537/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không quy định mực nước tối thiểu trong mùa lũ, nên các hồ chứa thủy điện gần như không có kế hoạch phải tích nước trong mùa lũ để dự phòng cho mùa kiệt năm sau mà cứ thoải mái xả nước phát điện.
“Đây chính là một trong những nguyên nhân mà trong hơn 10 năm qua, có một số hồ thủy điện, đơn cử như hồ A Vương, mực nước gần như luôn ở mức rất thấp và cách xa mực nước dâng bình thường nếu năm đó không có lũ về hồ, điển hình như các năm 2010, 2012, 2014, 2015, 2018!” – TS Lê Hùng cho hay.