Lời nói có sức sát thương rất khủng khiếp. Hãy thận trọng!
Phát ngôn của nam BTV trên sóng VTV1 - gọi những người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng” đã bị phản ứng gay gắt.
Bản tin Tài chính Kinh doanh của kênh VTV1 Đài Truyền Hình Quốc Gia Việt Nam phát sóng sáng 17/8 khiến dư luận phẫn nộ khi BTV Quang Anh đã có phát ngôn đầy phản cảm nhắm đến những người bán hàng rong ở TPHCM.
Nhiều người phân tích cụm từ “sống ký sinh trùng”, cho rằng Quang Anh hoàn toàn không hiểu và không biết cách sử dụng từ ngữ để miêu tả chính xác điều mình cần nói.
BTV Quang Anh gọi những người bán hàng rong ở TPHCM là "sống ký sinh trùng" trong bản tin Tài chính Kinh doanh của kênh VTV1 phát sáng 17/8 |
“Ký sinh” - một hình thức sống bám xưa nay chỉ được dùng để nói về những sinh vật ký sinh trên một vật chủ khác để tồn tại. “Ký sinh” là từ chỉ dùng trong sinh học và sinh thái học. Không ai dùng cụm từ này để nói về con người - đồng loại của mình, trừ khi để miệt thị.
“Ký sinh trùng”, hay được hiểu là “động vật ký sinh”, là từ được dùng nhiều trong y học. Đây là sinh vật chiếm sinh chất của sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển, có tính chiếm hữu. Nếu gọi những người bán hàng rong là “ký sinh trùng”, chẳng khác nào đang ám chỉ họ chiếm hữu sự sống của người khác để tồn tại.
“Sống ký sinh trùng”, như cách nói của Quang Anh., chẳng những sai về ngữ nghĩa mà còn sai ở cách dùng một từ hoàn toàn không phù hợp để gọi một tầng lớp người trong xã hội.
TPHCM là điểm hẹn của người tứ xứ đổ về mưu sinh. Với đủ các thành phần và tầng lớp xã hội, sự phân hóa giàu nghèo ở đây là không tránh khỏi, nhưng hầu như chưa ai phải tay trắng mà rời đi. Không phải tự nhiên mà người ta nói, ở thành phố này, chỉ cần đừng lười biếng, chịu khó là sẽ sống được.
Những gánh hàng rong là một phần sự sống, một phần của bộ mặt thành phố. Dù có hiện đại mấy, có hoành tráng mấy, người ta vẫn tìm thấy nét dung dị đời thường rất đáng mến của thành phố này ngay chính từ những gánh hàng rong thân thương.
Nhiều bạn trẻ khởi xướng phong trào ủng hộ hàng rong trên mạng xã hội để "đá xéo" phát ngôn mang tính miệt thị của nam BTV. |
Bánh kẹo, thức quà vặt tuổi thơ của nhiều đứa trẻ thành phố một phần cũng từ những gánh hàng rong. Những món ăn sáng vội vàng cho dân công sở, văn phòng, ly cà phê vỉa hè, ổ bánh mì kẹp thịt nổi tiếng thế giới hay tô cháo lòng “ngon nhất Sài Gòn” cũng từ những gánh hàng rong…
Giới nhân viên văn phòng, sinh viên và cả những người nổi tiếng dù làm gì vẫn xem những gánh hàng rong là nơi quen thuộc để ăn vặt, tán gẫu cùng bạn bè. Người Sài Gòn không lạ gì cảnh lâu lâu bắt gặp anh ca sĩ A., cô diễn viên B. áo quần lộng lẫy, đánh xe hơi tấp lề đường ăn hột vịt lộn ủng hộ “bà ngoại” nào đó đến lúc gánh hàng hết nhẵn thì thôi. Cái tình của những người nổi tiếng, giàu có ở đây nó lạ lùng, nó kỳ quặc nhưng nó cũng thân thương vô bờ là vậy.
Nhưng người bán hàng rong vẫn sòng phẳng với khách, chẳng kì kèo thêm đồng nào. Họ chỉ đổi công sức, vốn liếng để lao động nuôi thân, không trộm cướp của ai mà phải chịu tiếng “ký sinh” xấu xa như một một sinh vật chiếm hữu, dù họ có thể nghèo đến mức chẳng hất mặt lên nổi giữa cuộc đời này. Là bởi vì cuộc đời họ chưa bao giờ làm rơi mất hai tiếng thiện lương.
Họ là một tầng lớp đáng được quan tâm, được nhìn nhận bằng tấm lòng nhân ái, bao dung và sòng phẳng chứ không phải là lớp người để bất kỳ ai có thể mang ra miệt thị, chê bai.
Thật may, người bán hàng rong nghèo khó ở TPHCM vẫn được chính quyền thành phố, các mạnh thường quân quan tâm. Hai điểm phố hàng rong ở TPHCM đã thí điểm đi vào hoạt động từ tháng 3/2020 ở đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp giúp người bán hàng rong an lòng phần nào. Những mô hình phố hàng rong này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Sau khi bị dự luận phản ứng thì trên mạng xã hội xuất hiện 1 facebook cá nhân mang tên Wang Phố Cổ xin lỗi công chúng (Ảnh chụp màn hình Facebook) |
Sau rất nhiều lời chỉ trích, nam BTV đã gửi lời xin lỗi công chúng về sự việc, giải thích do mình bị ”nhịu giọng” khi thu chương trình. Tuy nhiên, lời xin lỗi này lại bị nhiều người bóc mẽ là bao biện. Bởi khi thu chương trình, BTV chỉ việc nhìn theo văn bản trên bảng điện tử trước mặt thì khó có thể đọc sai, thậm chí sai nghiêm trọng như thế. Hoặc giả BTV có đọc sai, phần hậu kỳ vẫn có thể xử lý được trước khi lên sóng truyền hình quốc gia.
Ông bà dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” quả không sai. Lời nói có sức sát thương rất khủng khiếp, một lời đã nói ra khó mà rút về. Nên lời xin lỗi không chỉ cần sự chân thành mà phải đàng hoàng, tử tế. Phát ngôn trên sóng truyền hình quốc gia nhưng xin lỗi bằng 1 status trên facebook đó không phải cách ứng xử sòng phẳng, văn minh.
Trần Huyền Trang
Theo www.phunuonline.com.vn