Lời hứa đây, thưa Bộ trưởng !
Những lời hứa như vậy đã được các trưởng ngành thực hiện ra sao? Mặc dù lời hứa trong các phiên họp gần đây khá “hiếm”, nhưng các Bộ trưởng cũng thể hiện quyết tâm trong việc giải quyết những vấn đề nóng của ngành. Kỳ họp Quốc hội này sẽ là dịp “trả bài” của các Bộ trưởng.
Khiếu kiện đất đai đã trở thành một trong những vấn đề nóng được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang hứa sẽ phối hợp với Tổng Thanh tra Chính phủ và người đứng đầu UBND các tỉnh thành đến ngày 31/12/2012 sẽ giải quyết những vụ việc trọng điểm về đất đai. Kết quả về những vấn đề bồi thường, GPMB, đảm bảo hài hòa lợi ích của “ba nhà” sẽ được công bố công khai rộng rãi cho người dân rõ.
Chỉ còn hơn hai tháng nữa sẽ hết thời gian thực hiện lời hứa. Nhưng rõ ràng đến thời điểm này, những vụ việc liên quan đến vấn đề đất đai vẫn còn là vấn đề nóng bỏng trên mọi tỉnh thành. Một số vụ việc nổi cộm như ở Văn Giang, Tiên Lãng… dường như vẫn còn nhiều việc phải làm.
Đối với thực trạng môi trường: “Bao giờ trả lại dòng sông xanh? Rất khó! Có thể DN có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa chắc đã đi vào hoạt động. Nhưng đến năm 2020 khi đất nước chuyển sang CNH, chúng ta không thể không giải quyết vấn đề cơ bản” – Bộ trưởng kêu khó nhưng vẫn hạ quyết tâm.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng |
Nằm trong danh sách chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ ba, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thể hiện quyết tâm rà soát quy hoạch ngành điện, quy hoạch phát triển thủy điện. Theo lời Bộ trưởng Hoàng, những dự án không đạt tiêu chí về xã hội, môi trường, chất lượng hiệu quả…sẽ bị dừng hoặc loại bỏ. Song song với việc làm đó, Bộ Công thương sẽ xử lý đảm bảo an toàn các công trình thủy điện.
Tuy nhiên đã gần nửa năm trôi qua, dư luận và người dân vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào trong việc rà soát, đánh giá tác động về môi trường cũng như chất lượng của các công trình thủy điện. Riêng Thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng ngành công thương cho biết sự cố này sẽ phải nghiêm túc xem xét, xử lý. Bộ Công thương và Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ về giải pháp khắc phục kịp thời. Tuy nhiên hiện cho đến thời điểm này, dư luận và người dân sống trong vùng không khỏi lo lắng với những sự cố đã và đang xảy ra tại Thủy điện Sông Tranh 2.
Trước sự cố xảy ra tại công trình này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn thừa nhận, ngoài chủ đầu tư, Bộ Công thương có phần trách nhiệm… Tuy nhiên đối với các vấn đề của báo cáo đánh giá tác động môi trường của Thủy điện Sông Tranh 2, lãnh đạo Bộ Công thương đã nhẹ nhàng đá trách nhiệm sang Bộ TN&MT, với lý do Bộ này là đơn vị trực tiếp thẩm định và phê duyệt. Đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra, nhưng vẫn không thu được kết quả. Nhiều khả năng tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ phải đưa ra mổ xẻ..
Khá gây bất ngờ khi không nằm trong danh sách các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn chất vấn tại kỳ họp thứ 3, nhưng đại biểu và người dân vẫn còn nhớ rõ Bộ trưởng Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm thế nào tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 2 khi Bộ trưởng vừa mới lên nhậm chức. Tại phiên chất vấn này, cử tri và các Đại biểu tập trung quan tâm đến bốn vấn đề “nóng” của ngành giao thông vận tải: ùn tắc, tai nạn giao thông, tiến độ và chất lượng công trình giao thông.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, mấu chốt để xử lý vấn đề giao thông là nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh. Đây sẽ là điểm “đột phá” cho nhiệm vụ trong 10 năm tới. Bộ trưởng Thăng cũng thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân của tai nạn giao thông do quản lý nhà nước yếu kém…
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng |
Rất nhiều nguyên nhân được “tư lệnh” ngành giao thông đưa ra tại phiên chất vấn. Nhưng khi các đại biểu “hỏi dồn” về lộ trình cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng không ngần ngại tỏ rõ quyết tâm: “Lúc này phải vào cuộc ngay, phải hành động một cách kiên quyết. Quan trọng là phải hành động, tất cả phải hành động. Ngành giao thông vận tải phải là người đề xướng, chắp nối để các bộ, các ngành cùng toàn dân thực hiện. Tai nạn và ùn tắc giao thông, với sự nhất trí cao và thực hiện quyết liệt sẽ giảm”. Đối với các công trình giao thông, Bộ trưởng cũng thể hiện quyết tâm lớn trong việc kiểm tra quản lý chặt tiến độ và chất lượng công trình.
“Những gì đã hứa trước Quốc hội, trước nhân dân thì phải làm” – Bộ trưởng Đinh La Thăng thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm tại buổi làm việc chỉ cách vài ngày trước khi kỳ họp thứ 4 diễn ra. Một năm đã trôi qua, Bộ trưởng và ngành giao thông đã thực hiện lời hứa như thế nào? Từ đổi giờ học, giờ làm, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải công cộng, phân luồng, phân làn giao thông, đến lộ trình thu các loại thuế, phí… đã được triển khai thực hiện khá đồng bộ.
Có lẽ Bộ GTVT là một trong số ít ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong một thời gian ngắn như vậy. Trên phương diện tổng thể, các giải pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông đều mang lại hiệu quả, được dư luận và nhân dân đồng tình, duy chỉ biện pháp thu phí giao thông thì hoàn toàn ngược lại. Cho rằng “phí chồng phí”, chủ trương này của Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra đã nhận sự phản bác kịch liệt, gay gắt của người dân cũng như nhiều đại biểu cũng như nguyên đại biểu Quốc hội.
Phải thừa nhận thực tế rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, Nghị quyết 11 ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực giao thông, thế nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn “ghi điểm” vì đã quyết tâm và đưa một số công trình trọng điểm hoàn thành vượt tiến độ. Tuy nhiên dư luận vẫn không khỏi lo lắng trước thực trạng một số công trình vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Xem ra giao thông vẫn còn là vấn đề nóng bỏng, cần được mổ xẻ kỹ càng tại kỳ họp thứ 4 này.